Bắt đầu từ hôm nay, ngày 5/4, 15.900 nhân viên chính thức của LinkedIn sẽ có một tuần nghỉ xả hơi để giảm tình trạng quá tải trong công việc (hội chứng burnout).
Trong một tuần nghỉ này, chỉ một bộ phận nhân viên chủ chốt nhỏ vẫn đi làm để duy trì hoạt động công ty. Tuy nhiên họ cũng sẽ được sắp lịch nghỉ bù sau.
Teuila Hanson, giám đốc nhân sự LinkedIn, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có thể đem đến một điều gì đó thực sự giá trị cho nhân viên, và trong thời điểm hiện tại, một tuần nghỉ phép là lựa chọn lý tưởng nhất”.
Vì tất cả đều cùng nhau nghỉ, do đó sau khi đi làm lại, những nhân viên này sẽ không phải đón nhận “cơn mưa” email, các ghi chú công việc hay các yêu cầu dự án. Điều này giúp tuần nghỉ này là kỳ nghỉ thực sự, chứ không phải nghỉ trong nỗi lo sợ ngập đầu trong công việc sau khi trở lại.
Trên thực tế, hội chứng burnout (quá tải, kiệt sức vì công việc) là một vấn đề đáng báo động trong giới nhân viên văn phòng. Theo một bảng khảo sát năm 2018, có đến ⅔ số nhân viên toàn thời gian đã gặp phải hội chứng này. Thậm chí trong đợt dịch khi làm việc từ xa, burnout càng trở nên tồi tệ hơn khi người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn ở nhà, dẫn đến gia tăng cảm giác xa cách và kiệt sức.
Theo nghiên cứu từ Đại học Stanford, burnout có thể tiêu tốn 120 - 190 tỷ USD mỗi năm cho vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Làm một mạng xã hội chuyên về nhân sự, LinkedIn thường xuyên tiến hành khảo sát đối với nhân viên để nắm rõ tình hình làm việc. Họ nhận thấy tình trạng burnout dần tăng cao, nhân viên không quan tâm sức khỏe bản thân, có cảm giác xa cách, gặp rắc rối với gia đình, v.v…
Chính vì vậy, LinkedIn rất chăm chỉ nghĩ ra những giải pháp, chế độ hỗ trợ nhân viên. Vào tháng 12 năm ngoái, sau khi cho nhân viên nghỉ 1 tuần, công ty này nhận thấy kết quả làm việc tốt hơn, nhân viên có năng lượng hơn. Do đó LinkedIn quyết định thông qua kỳ nghỉ 1 tuần đầu tháng 4 năm nay, sau khi khảo sát vào tháng 3 cho thấy tình trạng burnout đang quay trở lại.
Không chỉ LinkedIn, những công ty khác cũng có các giải pháp tương tự để nhân viên giải tỏa áp lực. Chẳng hạn Google cho nhân viên một ngày nghỉ vào tháng 9, hoặc Facebook cho phép nhân viên nghỉ nguyên tuần trong tuần lễ Tạ Ơn. Một số công ty khác mở rộng tiếp cận các nguồn lực chăm sóc sức khỏe online, hoặc đào tạo nhân viên cách làm việc và tránh stress khi làm việc từ xa trong mùa dịch.
Khi việc tiêm phòng triển khai rộng rãi, các công ty công nghệ lớn như Facebook, Amazon hay Microsoft đã bắt đầu lên kế hoạch đến văn phòng làm lại vào cuối năm nay. Hoặc Uber thậm chí đã mở cửa văn phòng (tuy nhiên hạn chế số người) vào tháng này.
Đối với nhân viên LinkedIn, sau khi đi làm trở lại, họ được quyền linh động thời gian làm việc, có thể vài ngày làm việc ở văn phòng và vài ngày làm việc ở nhà. Các công ty như Salesforce hoặc Microsoft cũng có kế hoạch tương tự.
Có thể bạn quan tâm