Đằng sau quyết định trì hoãn Hội nghị G7 của D.Trump

NGUYỄN CHUẨN 03/06/2020 05:58

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn cuộc họp thượng đỉnh G7 cuối tháng 6 và mở rộng ra thành G11. Có nhiều vấn đề đang cho thấy vì sao Trump làm như vậy.

"Tôi cảm thấy rằng với tư cách của một G7 có thể sẽ không đại diện chính xác cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là một nhóm các quốc gia rất lỗi thời". Đây là câu phát biểu của Donald Trump trên chuyên cơ Air Force One trước thềm cuộc hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tại Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cùng nguyên thủ các quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6-2019. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các nguyên thủ quốc gia khác tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6-2019. Ảnh: Getty Images

Hôm thứ bảy vừa qua, Nhà Trắng đã tuyên bố rằng việc triệu tập một hội nghị thượng đỉnh kinh tế G7 trực tiếp trên đất Mỹ có thể sẽ không thể diễn ra vào cuối tháng 6 này. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn bổ sung một số quốc gia khác như là Nga, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và hội nghị sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm nay.

Hiện nay, G7 là một tổ chức kinh tế liên chính phủ gồm các nền kinh tế tiên tiến, chủ yếu là phương Tây: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ. Năm 2018, bảy quốc gia đại diện cho gần 60% tài sản ròng toàn cầu và hơn 32% GDP toàn cầu, được đo bằng ngang giá sức mua.

Còn lý do gì khác?

Rất có thể, quyết định trì hoãn cuộc họp thượng đỉnh này của Trump liên quan đến sự vắng mặt của một số nhân vật chủ chốt. Đã có một số thành viên không hào hứng lắm trong việc tham gia hội nghị này, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tuyên bố rằng "không thể đưa ra xác nhận". Thời điểm này, bà còn nhiều mối lo ngại và đáng quan tâm về đại dịch COVID-19 hơn là những cuộc họp “vô bổ” như này.

Một số nhà lãnh đạo khác cũng đang “lăn tăn” về việc đi du lịch đến Hoa Kỳ - nơi mà lệnh cấm du lịch từ châu Âu vẫn đang còn hiệu lực. Trong một cuộc gọi điện thoại với Trump vào thứ Bảy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng để triệu tập hội nghị trực tiếp, toàn bộ nhóm cần phải có mặt. 

Dù không nói nhưng việc Macron và Merkel đã được liên kết chặt chẽ tại các cuộc họp G7 trước đây, đứng ra đại diện cho lợi ích của Liên Âu ai cũng đã từng thấy. Việc Merkel không tham gia, rất có thể khiến cho Macron cảm thấy không hào hứng.

Mặc dù vậy, vẫn có những nguyên thủ hào hứng trong việc tham gia hội nghị này, Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã đưa ra sự “đồng ý về tầm quan trọng của việc tổ chức kỳ họp trực tiếp giữa các lãnh đạo khối G7 trong tương lai gần" sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Mỹ.

Trong khoảng một tuần qua, Trump cũng đã nêu lên trong nội bộ khái niệm mời thêm các nước khác tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 này, ông gọi tên các nước như là Nga, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ sẽ là những khách mời “tiềm năng” trong buổi họp mặt năm nay.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là thời điểm này, G7 không có thời gian và không gian để thực hiện các chức năng cốt lõi của mình, cụ thể là điều phối các chính sách kinh tế quan trọng. 

Trên thực tế, các vấn đề kinh tế đang ngày càng trở nên cấp thiết. Từ sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến thế giới lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ cho đến những tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, các thách thức toàn cầu đang vượt ra ngoài biên giới của mỗi quốc gia và sự phối hợp của các quốc gia đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, đằng sau việc Trump tuyên bố hoãn hội nghị G7 để thêm vào đó các quốc gia khác đang được các chuyên gia phân tích ở một khía cạnh hoàn toàn khác. 

Quan trọng ở tâm lý của Trump

Người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết, Trump muốn hội nghị thượng đỉnh này dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề Trung Quốc. Một số vấn đề nổi cộm sau những căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, như xử lý đại dịch COVID-19 cũng như Đài Loan và Hong Kong.

Washington và Bắc Kinh thời điểm này đang xa nhau hơn bao giờ hết. Ảnh Reuter.

Washington và Bắc Kinh thời điểm này đang xa nhau hơn bao giờ hết. Ảnh Reuter.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Donald Trump đang “cố gắng lôi kéo sự hỗ trợ từ các đồng minh với mục đích cô lập và kiềm chế Trung Quốc”.

John Lee, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington thì lại cho rằng, Mỹ đang tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự trong đó xem xét việc đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc xảy ra đại dịch COVID-19.

Có thể nói, thời điểm này, nước Mỹ và Donald Trump đang cảm thấy “lo ngại” khi mà Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trong các thể chế và các nền tảng đa phương trong hơn thập kỷ kể cả Liên Hợp Quốc hay là WTO.

Với việc tạo ra “khối liên minh các quốc gia mới” sẽ khiến Trung Quốc phải quan ngại bởi nước này đang rất sợ hãi khi phải chịu những “cái nhìn ghẻ lạnh” từ các nước phát triển lâu đời.

Vì sao lại là Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc?

Mục đích của Trump rất dễ đoán khi mà tháng trước, Mỹ với vai trò “đầu tầu” trong liên minh tứ cường - Quad, đã đưa ra những sáng kiến cho sự hình thành một trật tự mới. Và Quad Plus, bao gồm thêm Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand ra đời với mục đích tạo ra những “tổ chức đa phương không có mặt Trung Quốc”.

Trước tác động đến nền kinh tế một cách sâu sắc từ đại dịch COVID-19 và đồng thời sự lệ thuộc của các nước phương tây, đặc biệt là Mỹ vào các chuỗi cung ứng từ nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử... vào Trung Quốc. Mỹ đang nỗ lực tạo ra các liên minh gồm các đối tác đáng tin cậy để có thể tăng cường sự ứng phó với “vấn đề Trung Quốc”.

Thời điểm này, Hàn Quốc và Australia đều là đồng minh chiến lược của Mỹ và mới đây, Canbera cũng bày tỏ việc “đứng bên cạnh” Hoa Kỳ khi kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 cũng như bày tỏ thái độ quan ngại về luật an ninh mới sắp được Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong.

Còn Ấn Độ, vốn dĩ là một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và hiện tại nước này cũng đang có bất đồng sâu sắc với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới.

Riêng với Nga, đây là một quốc gia đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Bắc Kinh. Tuy rằng, Nga đã bị loại khỏi G8 vào thời điểm sáp nhập Crimea năm 2014 nhưng tầm quan trọng chiến lược toàn cầu của Moscow vẫn được Donald Trump đánh giá rất cao.

Thời điểm này, rất có thể Trump đang muốn "tranh thủ" sự hài lòng của Nga trong vấn đề Trung Quốc khi mà nước này cũng đang nằm trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" do đại dịch COVID-19.

Ở phía ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, Zhao Lijian cho biết hôm thứ ba tại một cuộc họp báo thường kỳ về lời mời của Hoa Kỳ với các nước tham dự G7 Plus, ngoại trừ Trung Quốc. Ông này cho rằng, điều này chắc chắn sẽ không có lợi cho Hoa Kỳ.

người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Zhao Lijian. Ảnh AP.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Zhao Lijian. Ảnh AP.

Zhao tuyên bố rằng, Trung Quốc luôn cảm thấy "bất kỳ tổ chức hay hội nghị quốc tế nào cũng cần sự thúc đẩy niềm tin lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, điều đó cũng sẽ giúp bảo vệ chủ nghĩa đa phương, hòa bình và phát triển thịnh vượng trên thế giới". Và việc Mỹ không mời Trung Quốc tham dự đó là điều “không tốt” cho các bên liên quan.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại đang tỏ ra rất hào hứng với lời mời từ Donald Trump. Hãng thông tấn hàng đầu nước này, Yonhap đưa tin rằng, Tổng thống Moon Jae -in đã vui vẻ chia sẻ một cuộc điện đàm dài đến 15 phút với Trump để chấp nhận tham gia hội nghị G7.

Quyết định của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Zhao tuyên bố vào tuần trước, Trung Quốc phản đối hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã mang tên lửa THAAD thay thế đến một căn cứ tại Hàn Quốc chỉ sau một đêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bạo loạn tại Mỹ - giọt nước tràn ly

    Bạo loạn tại Mỹ - giọt nước tràn ly

    06:00, 02/06/2020

  • Cận cảnh “tuần lễ tang thương” của nước Mỹ

    Cận cảnh “tuần lễ tang thương” của nước Mỹ

    18:30, 01/06/2020

  • Mỹ-Trung tình hình căng thẳng đến mức nào?

    Mỹ-Trung tình hình căng thẳng đến mức nào?

    06:35, 01/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đằng sau quyết định trì hoãn Hội nghị G7 của D.Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO