Trong cơn bão của hội nhập và phát triển, vẫn còn những người Việt trẻ đã dành trọn thanh xuân của mình cho những việc làm thật ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc.
>>Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam
Yêu thích sản phẩm thủ công từ thuở nhỏ, anh Hà Thành Ngô Quý Đức mê mẩn với những sản phẩm mây tre đan. Khi lớn lên, anh thấy những sản phẩm này biến mất trong đời sống thường ngày và thay thế bằng những đồ nhựa. Với niềm đam mê đó, anh đã có cuộc hành trình 16 năm rong ruổi để tìm đến các làng nghề. Trên cuộc hành trình ấy, Ngô Quý Đức được gặp rất nhiều nghệ nhân và hiểu hơn hết giá trị của các sản phẩm thủ công này. Anh đã xây dựng một ý tưởng lớn hơn cho các sản phẩm này với Velang.vn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với những cống hiến tuổi trẻ, năm 2017, anh đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô.
Chia sẻ với DĐDN, anh Ngô Quý Đức đã có những bộc bạch hết sức chân thành về tình yêu và những góc nhìn của mình với các sản phẩm truyền thống của dân tộc.
- Hành trình 16 năm gắn bó với các sản phẩm làng nghề chắc hẳn có rất nhiều điều thú vị mà anh đã nhìn, đã nghe và đã cảm được. Anh có thể chia sẻ thêm về những điều này?
Tôi theo học ngành công nghệ thông tin nhưng niềm đam mê với mây tre đan chưa bao giờ nguội. Tôi đã lang thang đến các làng nghề để tìm kiếm nghệ nhân. Nhưng khi đi khắp các làng nghề tôi mới có những ý tưởng lớn hơn, đó là làm mới sản phẩm, đưa các sản phẩm này tiến xa hơn nữa bằng cái tâm của mình.
Tôi đã lập ra một trang thông tin điện tử velang.vn để giới thiệu giá trị của các sản phẩm. Đến bây giờ, trang thông tin này trở thành nơi mà các nghệ nhân tìm về để gửi gắm các mẫu mã, các sản phẩm mới với mong muốn được kết nối đến các nơi khác một cách rộng hơn. Đây là điều mà tôi thấy rất vui mừng vì đã một phần nào đó chắp cánh cho những sáng tạo Việt, cùng các nghệ nhân của Việt Nam khẳng định nét văn hóa độc đáo đến với các đối tác trong nước.
- Bằng đam mê và sức trẻ của mình với các sản phẩm làng nghề truyền thống, anh đã làm những gì để hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề và hỗ trợ nghệ nhân bằng cách nào?
Công việc chính của tôi đang thực hiện là nghiên cứu và ứng dụng. Tôi khảo sát các làng nghề để tìm hiểu các vấn đề nhất định như: những khó khăn của nghệ nhân, khảo sát và đánh giá cảnh quan để nghiên cứu các tour du lịch trải nghiệm. Từ đó, tôi đã tự xây dựng chương trình, tự dẫn tour. Tôi tin rằng, với những gì mình đang làm sẽ một phần giúp người dân địa phương biết là sản phẩm làng nghề của họ có thể khai thác du lịch. Không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn kết nối với các đơn vị lữ hành để họ khai thác các tour này. Đó cũng là một hoạt động mà tôi đã tạo hiệu ứng hai chiều để kích cầu cho sản phẩm du lịch địa phương.
Nhưng các doanh nghiệp du lịch sẽ ít thực hiện các tour này, vì các làng nghề không có sẵn các dịch vụ du lịch hoặc họ sẽ phải đầu tư dịch vụ đi kèm. Do đó, họ chọn an toàn hơn là chọn đầu tư vào điểm du lịch mới với chi phí lớn. Tôi biết các hoạt động này là quá nhỏ nhưng vì muốn làm cái gì mới, giúp được bà con nên tôi vẫn duy trì.
Để sản phẩm của các làng nghề thực sự được đón nhận một cách có hiệu quả thì cần có những chính sách và sự quan tâm nhất định, rõ ràng hơn cho từng đối tượng từ nghệ nhân đến sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Nói đúng hơn là chúng ta cần những biện pháp có thể “chạm” tới giá trị đích thực của mỗi sản phẩm mà nghệ nhân đã tạo ra.
>>Thăm hai ngôi chùa cổ Thái Lan cùng doanh nhân, hoa hậu Amy Lê Anh
>>Dấu ấn di sản: Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử
Chính vì điều đó nên các sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt những lại không có đầu ra. Tay nghề của họ rất giỏi nhưng chỉ làm theo mẫu cũ nên tính ứng dụng không cao. Trước những trăn trở này, tôi đã kết hợp với các đơn vị về thiết kế sáng tạo để phối hợp với các nghệ nhân, giúp họ đổi mới mẫu mã sản phẩm tạo cho sản phẩm mang chất lượng cao hơn, ứng dụng được trong các ngôi nhà hiện đại với nhiều công năng hoặc sử dụng decor…
Điều càng làm tôi lại càng tâm huyết hơn là thực hiện một ước mơ mang các sản phẩm này ra quốc tế. Bởi khi làm được điều này thì các sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới. Và tôi đã thực hiện kết nối một nhóm gồm: thiết kế, kinh doanh và xuất khẩu kết hợp công tác nghiên cứu và ứng dụng của mình, tôi đã tạo ra một vòng quay khép kín cho một chu kỳ sản phẩm nhất định.
- Theo anh, các giải pháp cần và đủ cho sự phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ là gì?
Các sản phẩm thủ công tại các làng nghề của Việt Nam là sản phẩm bằng tay. Do đó, công sức và giá thành rất cao, còn khách du lịch thì lại chọn những sản phẩm rẻ nên chất lượng sẽ thấp hơn rất nhiều. Để bảo tồn làng nghề và giữ chân được các nghệ nhân là một khía cạnh khác lớn hơn. Các làng nghề và nghệ nhân cần có sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chức một cách cụ thể và sâu sát hơn nữa.
Đời sống của các nghệ nhân được đảm bảo cũng đang là một bài toán. Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… chính quyền sẽ đảm bảo đời sống của các nghệ nhân bằng cách xây nhà và đảm bảo cuộc sống cho họ. Những nghệ nhân đó chỉ cần lên ý tưởng và tự sáng tác theo sức sáng tạo của riêng mà không phải lo đến việc đảm bảo cuộc sống thường ngày. Nhưng đó là số lượng rất ít, còn Việt Nam thì nghệ nhân quá nhiều, làng nghề cũng nhiều. Do đó, theo tôi chúng ta cần có sự chọn lọc và nghiên cứu nguồn gốc làng nghề, chọn những khu vực phù hợp để có những phương án bảo tồn giá trị nguồn cội.
Hiện nay, tôi đang hướng đến một số nghiên cứu và ứng dụng làm sao để rút ngắn thời gian làm thủ công của các nghệ nhân. Ví dụ như, bằng các mẫu thiết kế trong trang phục, nghệ nhân chỉ cần sử dụng các tiết tố trên một bộ phận của trang phục chứ không phải toàn bộ. Việc này giúp cho trang phục thêm các sản phẩm tinh tế, ấn tượng mà vẫn đảm bảo được thời gian thực hiện tác phẩm của mình. Đảm bảo được tính tiêu thụ với số lượng lớn hơn. Một số bản trên Sapa, Lào Cai, tôi đã hỗ trợ họ làm như vậy và giới thiệu giúp họ giới thiệu những mẫu sản phẩm này đến với các nhà thiết kế thời trang.
Hoặc các sản phẩm mây tre đan, tôi cũng hỗ trợ họ thiết kế mẫu mã mới và họ đã tạo ra rất nhiều tác phẩm ấn tượng để có thể xuất khẩu đi nước ngoài. Hiện nay, mây tre đan là sản phẩm đang được khách nước ngoài ưa chuộng vì tính sáng tạo cao, công năng sử dụng phù hợp với thời tiết và khí hậu của họ. Ở miền Bắc Việt Nam ít sử dụng sản phẩm mây tre đan, vì có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa nên dễ sinh ẩm mốc cho các sản phẩm này. Và dó đó, các sản phẩm này rất phù hợp với xuất khẩu, thu lợi nhuận cao.
Các nghệ nhân có tài năng vô cùng tuyệt vời và chúng ta đang khai thác tài năng này thế nào, hỗ trợ được họ đến đâu mà thôi. Bài toán cần duy trì làng nghề và hỗ trợ các nghệ nhân cũng vẫn là một bài toán chưa thật sự chạm đến giá trị sản phẩm làng nghề..
Có thể bạn quan tâm