Câu chuyện Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức bị cưỡng chế gần 1.000 tỷ đồng đã khiến dư luận dấy lên nhiều nghi ngại về tình hình “sức khỏe” của loạt doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn Nghệ An…
>>Vì sao “đại gia” Thiên Minh Đức ở Nghệ An nhận loạt quyết định cưỡng chế?
Qua đánh giá chung, đa phần các doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ thuế kéo dài, khó có khả năng chi trả đều có những hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng. Đây được xem là 2 ngành nghề có liên quan khá chặt chẽ đến nhau và cùng chịu tác động nặng nề từ sự suy thoái của nền kinh tế thị trường.
Trong một công bố gần đây của Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2023, trên địa bàn có 49 doanh nghiệp còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với tổng số tiền trên 2.600 tỷ đồng; chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh trong năm vừa qua.
Bảng danh mục các đơn vị bị “bêu tên” do nợ thuế kéo dài, phải kể đến là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức với tổng dư nợ là hơn 954 tỷ đồng; trong đó đáng chú ý có những khoản nợ kéo dài hơn một năm rưỡi, từ tháng 3/2022 – 12/2023. Hiện nay, doanh nghiệp này cũng đã bị cơ quan thuế tỉnh Nghệ An ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại nhiều ngân hàng trong nước và đồng thời ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành, người đứng đầu công ty.
>>Nghệ An: Doanh nghiệp “lâm bệnh”, làn sóng thất nghiệp gia tăng
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn, nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An, có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với việc đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở lĩnh vực bất động sản; cộng thêm kinh doanh, làm ăn thua lỗ đã khiến cho doanh nghiệp này rơi xướng bờ vực thẳm, đối mặt với nhiều khoản nợ lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài Thiên Minh Đức, trong bản thông báo công khai danh sách 49 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào ngày 25/1/2024 mới đây cho thấy, đa phần là những doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng với mức nợ thuế lên đến hàng chục tỷ đồng.
Điển hình như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 nằm trên đường Xiêng Khoảng, xã Nghi Phú, TP Vinh, nợ thuế gần 25,8 tỷ đồng; Công ty CP 482, địa chỉ tại số 155, đường Trường Chinh, phường Lê Lợi, TP Vinh hơn 25,6 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng 16-Vinaconex, có địa chỉ tại số 16, đường An Dương Vương, phường Trường Thi, TP Vinh, nợ thuế hơn 14,4 tỷ đồng; Tập đoàn Tecco – Chi nhánh tại Nghệ An ở phường Quang Trung, TP Vinh, nợ thuế hơn 14 tỷ đồng; Công ty CP Tư vấn và xây dựng công trình miền Trung, địa chỉ tại số 104, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Vinh nợ gần 13,5 tỷ đồng tiền thuế …
Đáng chú ý, có một doanh nghiệp bất động sản dính nhiều “tai tiếng” được đăng tải trên trên các phương tiện thông tin, báo chí trong năm vừa qua là Công ty TNHH MTV VLXD và xây lắp thương mại BMC cũng nằm trong danh sách với số tiền nợ thuế tổng cộng hơn 10,7 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp này là đơn vị chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC ở phường Quán Bàu, TP Vinh; được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007, với tổng diện tích đất lên đến 11.253,3m2. Thế nhưng, đến nay đã gần 17 năm trôi qua, vị trí thực hiện dự án nói trên vẫn chỉ là mảnh đất hoang hóa, cỏ cây mọc um tùm được quây tôn, rào lại một cách xiên vẹo ngay trung tâm thành phố… gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn tài nguyên đất đai nghiêm trọng.
>>Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời
Ngoài ra, nằm trong danh sách nợ thuế còn có nhiều đơn vị khác hoạt động trên lĩnh vực bất động sản và xây dựng, đó là: Công ty CP Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An nợ hơn 10,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Danatol tại Nghệ An nợ hơn 10,2 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng số 9.1 hơn 9,5 tỷ đồng; Công ty CP 475 hơn 8,7 tỷ đồng; Công ty CP xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước ở khối 14, phường Cửa Nam, TP Vinh có số tiền nợ thuế gần 7,9 tỷ đồng…
Thông qua những số liệu thống kê trên, có thể thấy, giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng như xây dựng ở địa bàn tỉnh Nghệ An đều đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Theo các chuyên gia nhìn nhận, điểm chung của những doanh nghiệp nợ thuế là tình hình kinh doanh lao dốc do thị trường bất động sản “đóng băng”, giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, linh hoạt,…
Bởi vậy, mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương cùng sở, ngành liên quan xem xét và đưa ra một số giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng, nhất là trong vấn đề giãn, giảm áp lực nợ thuế và các khoản nợ khác để doanh nghiệp yên tâm tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh để phục hồi lại “sức khỏe” vốn có.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Hơn 1 thập kỷ loay hoay với dự án “di dân khẩn cấp”
12:08, 24/01/2024
Nghệ An bắt nhịp xu hướng “xanh hóa” ngành vận tải hành khách
11:37, 21/01/2024
Hoạch định chiến lược phát triển Nghệ An – Bài 2: Từ khóa “5 sẵn sàng” thu hút đầu tư
16:36, 19/01/2024
Nghệ An: Công ty TNHH Cảng Cửa Lò nhận “trát phạt” do vi phạm PCCC
11:00, 18/01/2024
Hoạch định chiến lược phát triển Nghệ An – Bài 1: Khát vọng bứt phá!
06:56, 17/01/2024