Theo nhiều chuyên gia, việc khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức là vô cùng cấp bách nhằm góp phần thu hẹp thị trường vàng miếng, tạo giá trị gia tăng cho vàng
Muốn làm được điều này, cần sớm đưa vàng trang sức ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu, đặc biệt phải giảm thuế xuất khẩu vàng trang sức.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với gần 70% dân số nằm trong độ tuổi lao động và tiêu dùng, trong đó 51% dân số là nữ. Đây là đối tượng có nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức rất lớn.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng cao và ổn định qua các năm. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được dự báo sẽ tiệm cận mức 5.000 USD/người vào năm 2025, đánh dấu điểm khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng ở Việt Nam.
Với cơ cấu dân số vàng, mức tăng trưởng GDP cao và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng cao, nhu cầu trang sức, mỹ nghệ của người dân Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng lớn. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng cũng có sự thay đổi, dịch chuyển từ mục đích mua tích trữ sang thời trang, làm đẹp. Do đó, các phân khúc vàng trang sức trung và cao cấp còn nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới.
Luật Đầu tư năm 2020 quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là không phù hợp. Bởi vì, kinh doanh vàng bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu.
Trong nhiều năm nay, quy định này đã và đang làm cho ngành vàng trang sức Việt Nam gặp rất nhiểu khó khăn do tăng thủ tục hành chính, khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên đáng kể, trong khi cơ hội kinh doanh lại ngày càng giảm đi vì phải mất rất nhiều thời gian xin giấy phép.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,… Trong khi đó, vàng trang sức là hàng hóa tiêu dùng thông thường, việc sản xuất mặt hàng này không ảnh hưởng đến các yếu tố trên. Do đó, Quốc hội cần sớm xem xét đưa vàng trang sức ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước đây khi thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức 0%, thì nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xuất khẩu vàng với số lượng lớn, tạo công ăn việc làm hàng nghìn lao động, đồng thời góp phần tái tạo ngoại tệ và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 – 2020, Tập đoàn DOJI xuất khẩu được 2,5 tỷ USD vàng trang sức,…
Tuy nhiên theo quy định hiện hành, Chính phủ quy định chung 1 mức thuế suất xuất khẩu 2% đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng. Từ khi áp dụng quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể thực hiện xuất khẩu được vàng trang sức.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu vàng trang sức xuống 0% như trước đây là vô cùng cấp bách để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, tái tạo ngoại tệ cho đất nước, đồng thời đẩy lùi tình trạng xuất khẩu lậu vàng.
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức, thì NHNN cũng cần đáp ứng nhu cầu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Bởi vì, Nghị định 24/2012 quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 1,5 - 2 tấn vàng mỗi năm. Do đó, các doanh nghiệp đã phải thu mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro về chất lượng, đồng thời vô tình đã tiếp tay cho những kẻ nhập lậu vàng, gây chảy máu ngoại tệ cho đất nước.