Đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu vẫn đang gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, mức độ công bằng và những lo ngại về tác động thực tế đến thị trường…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong nỗ lực kiểm soát tình trạng đầu cơ, lướt sóng trên thị trường bất động sản, Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế chuyển nhượng bất động sản dựa trên thời gian sở hữu. Cụ thể, những bất động sản mua bán trong thời gian ngắn sẽ chịu thuế suất cao hơn nhằm hạn chế hành vi đầu cơ, góp phần ổn định giá nhà. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, mức độ công bằng và tác động thực tế đến thị trường.
Theo dự thảo mới từ Bộ Tài chính, mức thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch bất động sản sẽ không cố định như trước mà thay đổi dựa trên thời gian nắm giữ. Càng nắm giữ lâu, mức thuế càng thấp. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lợi nhuận chênh lệch, vốn được coi là một nguyên nhân gây ra bong bóng bất động sản. Mô hình này đã được áp dụng tại một số quốc gia như Singapore, Đài Loan, nơi chính phủ đánh thuế rất cao đối với các giao dịch diễn ra trong vòng 1-2 năm sau khi mua nhằm hạn chế đầu cơ.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng chính sách tương tự, giá nhà có thể ổn định hơn, giúp những người có nhu cầu thực sự dễ dàng tiếp cận nhà ở. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn có nhiều quan điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, việc mua đi bán lại liên tục không chỉ làm tăng giá nhà mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai, khiến thị trường mất ổn định. “Khi một nhà đầu tư mua bất động sản chỉ để chờ tăng giá rồi bán lại, họ không có động cơ phát triển giá trị thực sự của tài sản đó. Điều này khiến giá trị bất động sản không phản ánh đúng nhu cầu thực tế, gây ra tình trạng bong bóng và khó khăn cho những người có nhu cầu ở thực”, ông Châu nói và nhận định, đánh thuế theo thời gian sở hữu là biện pháp cần thiết để hạn chế hành vi đầu cơ, giúp thị trường phát triển bền vững.
Cũng có chung nhận định này, tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, cần có lộ trình phù hợp để tránh tác động tiêu cực đến thanh khoản thị trường. Ông Hiển đề xuất có thể áp dụng mức thuế cao hơn đối với các giao dịch dưới 2 năm, sau đó giảm dần để khuyến khích đầu tư dài hạn.
“Chúng ta không thể để thị trường bất động sản bị chi phối bởi các nhà đầu cơ, nhưng cũng không nên áp dụng biện pháp quá mạnh tay ngay lập tức. Cần có bước đi thận trọng để đảm bảo sự cân bằng giữa quản lý và phát triển thị trường”, ông Hiển nói.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi của đề xuất này. Họ cho rằng hệ thống quản lý đất đai và thuế tại Việt Nam chưa đủ đồng bộ để thực thi một chính sách phức tạp như vậy.
Trong báo cáo đánh giá về đề xuất này, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra rằng việc đánh thuế dựa trên thời gian sở hữu có thể khó thực thi do thiếu cơ sở dữ liệu chính xác về giao dịch bất động sản. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống quản lý điện tử hoàn chỉnh để theo dõi tất cả các giao dịch và thời gian sở hữu của từng bất động sản. Điều này có thể tạo ra kẽ hở để lách luật, trốn thuế. Ngoài ra, có ý kiến cũng lo ngại rằng, chính sách này có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường, khiến việc mua bán nhà trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ về nội dung này, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nếu đánh thuế cao đối với những giao dịch ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ giữ tài sản lâu hơn thay vì bán ra, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp. “Việc đánh thuế có thể khiến những người đang nắm giữ bất động sản không muốn bán, làm giảm nguồn cung nhà ở. Nếu không có biện pháp đi kèm để tăng nguồn cung từ các dự án mới, giá nhà thậm chí có thể tiếp tục tăng thay vì giảm”, ông Đính phân tích.
Các chuyên gia cho biết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách thuế bất động sản theo thời gian sở hữu và thu được kết quả khả quan, nhưng điểm chung là họ có hệ thống quản lý rất chặt chẽ.
Tại Singapore, chính phủ áp thuế lên tới 100% đối với các giao dịch trong năm đầu tiên sau khi mua, giảm dần xuống 50% vào năm thứ hai và 25% vào năm thứ ba. Nhờ có hệ thống quản lý minh bạch và chặt chẽ, chính sách này giúp thị trường ổn định hơn mà không gây xáo trộn quá lớn. Đài Loan cũng áp dụng mô hình tương tự với mức thuế cao trong hai năm đầu tiên, sau đó giảm dần.
Kết quả cho thấy số lượng giao dịch ngắn hạn giảm mạnh, nhưng giá nhà vẫn duy trì ở mức hợp lý nhờ các chính sách đi kèm để hỗ trợ nguồn cung. Điểm mấu chốt từ kinh nghiệm quốc tế là để chính sách thuế hiệu quả, cần có hệ thống dữ liệu minh bạch, cơ chế giám sát chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ song song để cân bằng thị trường.
Dù còn nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng việc kiểm soát đầu cơ bất động sản là cần thiết để thị trường phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu muốn đánh thuế theo thời gian sở hữu, chính phủ cần có một lộ trình hợp lý, đồng bộ với các chính sách khác để tránh gây sốc cho thị trường. Thay vì áp thuế ngay lập tức, có thể thử nghiệm ở một số khu vực hoặc nhóm đối tượng nhất định, sau đó đánh giá tác động trước khi áp dụng rộng rãi. Đồng thời, cần đầu tư vào hệ thống quản lý đất đai và thuế để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chính sách.
Cuộc tranh luận về thuế bất động sản theo thời gian sở hữu vẫn chưa ngã ngũ, nhưng điều chắc chắn là bất kỳ chính sách nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đạt mục tiêu kiểm soát đầu cơ, vừa không gây xáo trộn lớn cho thị trường.