Chính sách - Quy hoạch

Đánh thuế bất động sản thứ 2 có khiến giá nhà tăng?

Vi Anh thực hiện 20/10/2024 10:44

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà đất nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-12 lúc 19.45.35
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội

- Bà đánh giá như thế nào về đề xuất đánh thuế đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà đất?

Tôi cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai có thể khiến giá bán bất động sản tăng lên ở một mức độ nào đó. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang kỳ vọng đưa mặt bằng giá về mức hợp lý. Nếu giá tiếp tục leo thang, điều này sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản và sự phục hồi của thị trường.

Những công việc quan trọng nhất chúng ta đã thực hiện, như việc thông qua các luật, tuy nhiên luật pháp luôn có độ trễ khi đi vào thực tiễn. Hiện tại, vấn đề cần tính toán xem liệu đã phù hợp hay chưa, và cần xác định thời điểm thích hợp khi thị trường đã phục hồi hoàn toàn.

Dù chúng ta mong muốn thực hiện ngay nhưng vẫn cần thời gian. Kế hoạch cần phải được thông qua và có đầy đủ các công cụ cần thiết. Do đó, thời điểm áp dụng cần đảm bảo vừa giúp thị trường phát triển bền vững, vừa hỗ trợ nền kinh tế, bởi chỉ khi các thị trường phát triển đồng đều thì nền kinh tế mới có thể tăng trưởng một cách bền vững.

Thị trường căn hộ mở bán mới tại Hà Nội ghi nhận mức giá trung bình đạt gần 70 triệu đồng/m2. Ảnh:VA
Việc đánh thuế căn nhà thứ hai có thể khiến giá bán bất động sản tăng. Ảnh:VA

- Theo bà, cần có những điều kiện gì để đề xuất này thực sự hiệu quả?

Theo tôi, chỉ nên áp dụng việc đánh thuế khi đã có đầy đủ các điều kiện cần thiết, bao gồm một hệ thống quản lý bất động sản hoàn chỉnh và thông tin sở hữu của người dân được cập nhật đầy đủ. Khi đó, việc lựa chọn thời điểm sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này có nghĩa là cần thiết lập một hệ thống quản lý đất đai trên toàn quốc, kết nối chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch.

Cùng với đó, chúng ta nên kết hợp với các biện pháp kỹ thuật khác như thực hiện giao dịch qua ngân hàng và yêu cầu kê khai chi tiết. Nhờ vậy, chính sách sẽ không mang tính cục bộ. Nếu một địa phương nào đó chưa được liên thông trên toàn quốc, chúng ta sẽ không thể thực hiện triệt để. Điều này vô hình chung không đáp ứng được mục tiêu phát triển thị trường một cách lành mạnh và hỗ trợ cho nền kinh tế.

- Việt Nam có thể học được gì từ quy định đánh thuế bất động sản thứ 2 của Trung Quốc, thưa bà?

Để đánh thuế bất động sản thứ hai, chúng ta cần áp dụng các biện pháp tăng cường và phải đánh giá toàn diện mọi tác động có thể xảy ra. Hiện tại, khi chúng ta đang cần sự phát triển của thị trường bất động sản để hỗ trợ các ngành kinh tế khác, việc siết chặt tín dụng vào bất động sản tại Việt Nam đã cho thấy những khó khăn, không cần phải nhìn sang kinh nghiệm từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã thực hiện việc siết chặt tín dụng vào bất động sản, và tại Việt Nam, chúng ta cũng từng áp dụng biện pháp này khi thị trường phát triển quá nóng. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện phát triển của thị trường ở mỗi thời điểm khác nhau, mức độ can thiệp và tác động cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Ở thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển các chính sách tín dụng và nguồn vốn cho bất động sản. Vấn đề nguồn vốn cho bất động sản đã được thảo luận nhiều, từ quỹ đầu tư, huy động ngân hàng đến các kênh niêm yết chứng khoán và phát hành trái phiếu. Thị trường hiện tại vẫn cần sự điều tiết vì chúng ta chưa đạt đến mức có thể tự điều chỉnh. Do đó, trong giai đoạn đầu khi còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, cần có sự can thiệp và áp dụng các chính sách giám sát để đảm bảo thị trường phát triển đúng hướng và lành mạnh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đánh thuế bất động sản thứ 2 có khiến giá nhà tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO