Bình luận

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Phương pháp nào là phù hợp?

YẾN NHUNG 10/08/2024 04:00

Trước đề xuất cách tính thuế hỗn hợp trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Heineken, nhiều ý kiến nhận định, phương pháp này không phù hợp với Việt Nam.

Thực tế hiện nay, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu là thuế tương đối áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.

Theo đó, đối với mặt hàng bia, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia cao cấp, cấp giá cao đề nghị nghiên cứu xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp đó là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam.

bia-sai-gon-1436140695.jpg
Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đề nghị nghiên cứu xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, không áp dụng thuế hỗn hợp đối với bia, mà tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế hiện tại là thuế tương đối (thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán ra). Các đơn vị nêu ý kiến bao gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), Sabeco, Habeco...

Các đơn vị này giải thích rằng, phương pháp tính thuế hiện tại phù hợp với đặc thù thị trường bia trong nước, với 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương giá thấp, trong khi có sự chênh lệch lớn giữa giá bán sản phẩm bia cao cấp, cận cao cấp và phổ thông.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giá bán bia phổ thông thấp hơn nhiều so với sản phẩm cao cấp, thì đề xuất thuế hỗn hợp (tức thu thêm một khoản thuế như nhau trên cùng một đơn vị sản phẩm) sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm giá thấp.

Về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, công ty này không đề xuất tính thuế theo phương pháp hỗn hợp. Việc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của sản phẩm. Do đó, tạo áp lực lên các thương hiệu bia nội địa, dẫn đến tăng giá độc quyền, có thể làm mất đi thương hiệu đã gắn liền với các giá trị văn hóa lâu đời.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam nhận định, chính sách này sẽ tác động tiêu cực đối với dòng bia bình dân, nơi mà các sản phẩm bia thương hiệu Việt đang chiếm đa số.

25fdn-bia-bia-1.jpg
Các doanh nghiệp nhận định, phương pháp thuế hỗn hợp không phù hợp với Việt Nam hiện nay - Ảnh minh họa: ITN

Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí… trên cơ sở đó đưa ra đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Theo tính toán của ông Phụng, với phương án hỗn hợp thì thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm bia cao cấp sẽ tăng từ 65% lên 75%. Trong khi đó, bia bình dân hiện nay đang là 65% sẽ tăng lên 85%. Như vậy, người tiêu dùng có thu nhập thấp lại chịu thuế lớn hơn người có thu nhập cao.

Chuyên gia này nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng phương pháp tính thuế truyền thống (tương đối) theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán thì sẽ hợp lý, hiệu quả và thiết thực hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

"Trên cơ sở đó, tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta áp thuế theo phương án hỗn hợp là chưa phù hợp. Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà gây nên sự xáo trộn, mang lại thu nhập nhãn hàng Việt Nam ít đi, nhãn hàng nước ngoài lại cao lên thì phải hết sức cân nhắc", ông Phụng nêu quan điểm.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính mới đây đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó đáng chú ý là vấn đề cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm bia, rượu.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giá bán rượu, bia phổ thông thấp hơn nhiều so với cao cấp thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hay thu thêm một khoản thuế tuyệt đối (thu thuế theo một mức tiền nhất định trên cùng một đơn vị sản phẩm) sẽ tạo áp lực lớn đối với các sản phẩm giá thấp.

Nguyên nhân do việc áp dụng bổ sung thuế tuyệt đối (sản phẩm có mức giá bán khác nhau đều chịu một khoản tiền thuế như nhau) sẽ dẫn đến tăng giá bán của sản phẩm dòng phổ thông nhiều hơn đáng kể so với sản phẩm giá cao.

Do vậy, mặt hàng cao cấp, giá cao sẽ có thể thay thế, chiếm lĩnh thị trường, từ đó gây áp lực với bia, rượu phổ thông, bình dân, ảnh hưởng đến sản xuất, khả năng cạnh tranh và công ăn việc làm của lao động.

"Vì vậy, phương thức tính thuế hỗn hợp hay bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu, bia là chưa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam hiện nay", Bộ Tài chính khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Phương pháp nào là phù hợp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO