Từ cơn sốt “Đào, phở và piano”, các chuyên gia đang tích cực hiến kế cho nhà nước về mảng đầu tư vào nghệ thuật. Ở phương diện này, Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi một số kinh nghiệm từ nước Anh.
>>AI biến văn bản thành phim: Giới quảng cáo hi vọng và quan ngại
Có thể nói tại thị trường phòng vé Việt Nam giai đoạn này, “Đào, phở và piano” là cái tên nổi bật nhất. Bắt đầu bằng việc là phim Nhà nước đặt làm với kinh phí khiêm tốn và chỉ chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ở Hà Nội, đến nay phim đã thu hút sự quan tâm của khán giả trên cả nước. Sức hút của phim đã khiến hệ thống Cinestar và Beta Cinema quyết định đem phim về chiếu và tình trạng cháy vé, xếp hàng mua vé diễn ra tại nhiều địa phương.
Trước hiện tượng “Đào, phở và piano”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy không phải phim do Nhà nước đặt hàng là không có thị trường, không nhận được sự quan tâm của khán giả. Những gì mà Việt Nam thiếu là một định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất.
Theo ông, trong định hướng ấy, tất cả mọi dòng phim, kể cả phim do Nhà nước đặt hàng, đều phải chú ý đến yếu tố thị trường, quan tâm đồng bộ đến mọi khâu, bao gồm kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, kỹ thuật, phát hành, phê bình và cả quảng bá trên nhiều kênh.
Để làm được như thế, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định, cả trực tiếp liên quan đến điện ảnh lẫn gián tiếp như về thuế, phí, sử dụng tài sản công, v.v. để tạo sự linh hoạt, khuyến khích sáng tạo đổi mới. Ngoài ra cần lưu ý đến chất lượng bộ phim, cũng như sử dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông.
Đó sẽ là một chặng đường dài, đặc biệt với nền nghệ thuật vẫn còn non trẻ như Việt Nam. Trong quá trình ấy, chắc chắn việc tham khảo, học hỏi từ những những nền nghệ thuật khác, chẳng hạn kinh nghiệm nhà nước đầu tư nghệ thuật ở Anh.
Theo Bộ trưởng Tài Chính Jeremy Hunt, ngành công nghiệp sáng tạo của Anh không chỉ có sự hào nhoáng, nó còn là ngành công nghiệp nổi tiếng thế giới, doanh thu 108 tỷ bảng Anh và tạo ra hơn 2 triệu việc làm mỗi năm.
Đằng sau thành công này là sự đầu tư rất nhiều của chính phủ Anh. Đơn cử, vào giữa tháng 6 năm 2023, chính phủ Anh đã công bố một chương trình với nguồn kinh phí lớn dành cho ngành công nghiệp sáng tạo.
Chẳng hạn họ đã dành tổng cộng 5 triệu bảng để hỗ trợ cho 400 địa điểm âm nhạc bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cũng như 50 triệu bảng để hỗ trợ các startup và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Bên cạnh đó, họ còn tăng ba lần nguồn quỹ dùng để tìm kiếm các thế hệ siêu sao “cây nhà lá vườn” như Adele và Ed Sheeran.
Hay nhằm mục đích bảo đảm tương lai cho ngành sản xuất phim và truyền hình, chính phủ Anh đã đầu tư gần 150 triệu bảng vào mạng lưới các phòng thí nghiệm trên khắp cả nước, với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển việc sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ phim ảnh hay âm nhạc, chính phủ Anh còn đầu tư vào mảng game với kinh phí 5 triệu bảng cho quỹ UK Games Fund và lên đến 13,4 triệu bảng Anh trong hai năm tới. Giải thưởng này dành cho những nhà phát triển game trẻ có thể biến ý tưởng thành sản phẩm mẫu.
Thêm vào đó, tuần lễ thời trang London và lễ hội phim London cũng nhận thêm nguồn quỹ lần lượt là 2 triệu và 1,7 triệu bảng Anh, vì đây là “các sự kiện quốc tế giúp nước Anh tăng cường quyền lực mềm và thúc đẩy xuất khẩu sáng tạo”.
Ông Hunt chia sẻ rằng những đầu tư của chính phủ Anh dành cho nghệ thuật là những biện pháp để ủng hộ cho một ngành công nghiệp hàng đầu đất nước, cũng như giữ cho nước Anh luôn đứng đầu ở bảng xếp hạng nghệ thuật thế giới.
Mức đầu tư khủng này đã, đang và sẽ giúp nghệ thuật nước Anh giữ vững vị trí của mình. Đường lối ấy cũng là những bài học, những tài liệu để ngành nghệ thuật Việt Nam có thể nghiên cứu và tham khảo.
Có thể bạn quan tâm