Du lịch cộng đồng ở Bắc Tây Nguyên đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhờ đầu tư xã hội cho cơ sở vật chất và nhân lực từ chính sách của địa phương.
>>Mô hình đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập
Mỗi địa phương ở Bắc Tây Nguyên đều xác định có riêng tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng. Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum là một ví dụ như thế khi xác định du lịch cộng đồng ở đây gắn liền với dược liệu và sức khoẻ.
Để hỗ trợ người dân phát triển các mô hình du lịch cộng đồng có hiệu quả, huyện Tu Mơ Rông đã chọn những cá nhân có năng lực cho đi đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nói về sự chuẩn bị nhân lực cho du lịch cộng đồng, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay “Hiện tại, du lịch ở địa phương bị hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật nên những gì thu được chưa xứng tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc phải đào tạo nhân sự là việc phải làm để phát triển lâu dài, là một trong các hướng đi nâng cao đời sống người đồng bào Xơ Đăng, cùng với phát huy tiềm năng du lịch. “Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam là hội nhóm có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch. Việc Câu lạc bộ đứng ra tổ chức đào tạo nguồn nhân lực sẽ từng bước giúp du lịch Tu Mơ Rông có điều kiện phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch”.
Hiện nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum đã và đang hợp tác với hội doanh nhân, các Hiệp hội du lịch để đào sơ cấp và trung cấp du lịch cho người dân và những cá nhân khởi nghiệp du lịch.
Còn tại Gia Lai, với mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch đón 1,7 triệu lượt khách, ước tính doanh thu đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho 3 ngàn lao động trực tiếp. Để đạt điều này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai đã mời chuyên gia về bồi dưỡng kiến thức xây dựng mô hình du lịch nông thôn cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Đối tượng là cán bộ phụ trách phòng chuyên môn cấp huyện, cán bộ xã, thôn, buôn, làng, hợp tác xã, hộ gia đình có liên quan đến sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Mục tiêu mỗi địa phương sẽ có 50 học viên được đào tạo.
Lý giải vì sao tại khu vực có hơn 10 trường là Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp có đào tạo ngành nghề du lịch. Tuy nhiên ở địa phương lại thiếu nhân lực, ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai cho hay “số lượng đào tạo lao động chính quy này lại không quay về lao động tại địa phương mà tìm kiếm cơ hội phát triển tại những nơi có du lịch phát triển. Do đó, để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương, bắt buộc phải đưa người đi đào tạo để đạt chuẩn”.
>>Nhân lực du lịch chất lượng cao
Dưới góc độ khoa học, Thạc sĩ Lê Thị Tình – Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nói “muốn phát triển loại hình này, phải giúp người dân nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho dân làng đi học hỏi kinh nghiệm, cách làm du lịch từ các địa phương khác. Đặc biệt, khi quy hoạch các làng du lịch cộng đồng ở các địa phương cần tôn trọng các yếu tố văn hóa từ kiến trúc, không gian làng... không được bê tông hóa, làm phá vỡ cảnh quan vì sẽ đánh mất cảm xúc của du khách”.
“Người dân chưa có kỹ năng làm du lịch, nhất là kiến thức tài chính để quản lý hoạt động thu, chi khi có khách đến làng. Do đó rất cần được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, có chương trình tập huấn, bày cách cho người dân làm du lịch”, bà Tình nói thêm.
Nhận giúp đỡ một số tỉnh Tây Nguyên đào tạo nhân lực về du lịch, anh Nguyễn Ngọc Tấn - Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ “chúng tôi mong muốn sau khi được đào tạo, các bạn học viên sẽ trở về địa phương ngoài việc trực tiếp phụ trách khách họ sẽ là hạt nhân truyền đạt lại kiến thức đã được học cho những người khác trong thôn, bản của mình. Từ đó nguồn nhân lực du lịch các địa phương sẽ được nhân rộng và có đà phát triển. Cách làm du lịch ở những nơi đây sẽ chuyên nghiệp và bền vững góp phần làm hài lòng du khách khi đến với vùng đất Tây Nguyên còn nhiều gian khó này”.
Nhằm tạo cú hích cho du lịch cộng đồng, các tỉnh ở Bắc Tây Nguyên đã và đang tự triển khai nhiều hoạt động đào tạo, chuẩn hoá nhân lực làm du lịch cộng đồng. Đây chính là “lực hấp dẫn” để thu hút sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch của các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch là người nước ngoài, tạo cơ chế thông thoáng cho các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập
03:00, 09/02/2024
Quảng Ninh: Gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực du lịch
03:00, 25/06/2023
Giải bài toán cho nguồn nhân lực du lịch
02:49, 09/05/2023
Điểm khó của đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam
02:30, 14/03/2023
Nhân lực du lịch với công nghệ thực tế ảo
11:00, 15/03/2023
Cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp
02:00, 08/03/2023