Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nhấn mạnh về vai trò của sản phẩm du lịch văn hoá là một trong bốn sản phẩm chủ đạo quan trọng nhất của du lịch Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ "Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến". Trong đó nhấn mạnh "chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế".
Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa thuận tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch cho phép dịch chuyển lao động trong ngành thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút lao động có trình độ cao để đáp ứng các vị trí quan trọng.
Theo đó, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho biết, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Trong năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á"; "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á", qua đó cho thấy, vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các giải thưởng chính là sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam nói chung và chất lượng dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng, lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.
Cụ thể, tại hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, các chuyên gia du lịch cho rằng để nâng "chất" nguồn nhân lực văn hóa, cần nâng cao năng lực quảng bá, hợp tác, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt từ khu vực tư vào phát triển du lịch, qua đó phát triển nhân lực ngành du lịch. Cán bộ quản lý nhà nước về du lịch có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp, dự báo nhu cầu, khuyến khích và thúc đẩy quá trình xã hội hóa đào tạo, phát triển nhân lực ngành du lịch. Đổi mới cơ chế làm việc của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo hướng linh hoạt, gắn chặt với thị trường, đối tác bên ngoài để chủ động đáp ứng được các thay đổi, đòi hỏi từ bên ngoài, đồng thời thu hút được các nguồn lực để nâng cao hiệu quả hỗ trợ quá trình phát triển du lịch, nhân lực du lịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, gia tăng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước để giải quyết nhu cầu trước mắt. Trong giai đoạn tới, thị trường lao động trong khu vực ASEAN được mở cửa, lao động trình độ cao trong ngành du lịch có thể dự do di chuyển giữa các quốc gia ASEAN. Vì vậy, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách và xác định nhu cầu, đối tượng để chủ động trong quảng bá, thu hút.