Việc đưa đất công lên sàn giao dịch điện tử được kỳ vọng sẽ làm minh bạch tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất công với giá rẻ. Tuy nhiên, từ định hướng đến thực tế là cả một quá trình.
Đó là ý kiến của ông ĐỖ VIẾT CHIẾN – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Việc đưa đất công lên sàn giao dịch điện tử được kỳ vọng sẽ làm minh bạch tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất công với giá rẻ. Tuy nhiên, từ định hướng đến thực tế là cả một quá trình.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Chiến không phủ nhận Luật tài sản công mới này có nhiều tiến bộ, tạo ra cách quản lý hiệu quả hơn với tài sản công và đặc biệt là nhà đất. Tuy nhiên ông e ngại thông tin chỉ dừng ở mức tham khảo và cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để kênh này trở thành một kênh thông tin chính thức trên thị trường, nhà đầu tư có thể tự do lựa chọn.
- Vậy rõ ràng việc minh bạch thông tin về đất công vẫn là cuộc chiến chưa hồi kết thưa ông?
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý muốn đưa đất công lên sàn giao dịch. Vào năm 2012, ý tưởng này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nhưng đến nay chưa làm được. Rõ ràng thông tin về quy hoạch, đất đai từ trước đến nay tương đối mập mờ, giờ công khai minh bạch thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ không có thông tin mật để tiết lộ cho doanh nghiệp. Chính tình trạng này dẫn đến việc công khai, minh bạch thông tin cứ dừng ở mức “hô khẩu hiệu”.
- Từng là một nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, theo ông căn nguyên của những sai phạm thất thoát đất công xuất phát từ đâu?
Thực chất nhiều sai phạm về quản lý tài sản công xảy ra là do luật pháp của Việt Nam về lĩnh vực này không rõ ràng và kéo dài quá lâu.
Cụ thể, Luật Đất đai quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng cơ quan quản lý đất đai không quản lý một cách rành rọt giữa đất đai thuộc sở hữu nhà nước với đất đai nói chung. Mãi tới năm 2017 mới có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ đó mới áp dụng được những quy phạm pháp luật rõ ràng về hai loại tài sản này.
Thứ hai, chúng ta biết rằng trước năm 2013, Luật Đất đai quy định, ngành tài chính chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác phát định giá, trong đó có công tác giá đất. Nhưng rất tiếc là cơ chế này tới Luật đất đai 2013 lại được tách ra làm hai. Công tác định giá đất lại giao cho ngành tài nguyên và môi trường và công tác thẩm định giá đất là thuộc ngành tài chính, trực tiếp là Sở Tài chính của địa phương là thường trực của cơ quan thẩm định giá đất của thành phố. Cho nên nó chồng chéo nhau. Như vậy quy trình hành chính về giá đất lại tăng thêm và rối rắm.
Thứ ba, hiện nay bảng giá đất của các địa phương ban hành hoàn toàn thấp xa so với giá thị trường. Thường họ tính thấp xa ít nhất từ 20-40 % so với giá thị trường.
- Để minh bạch thông tin các khu đất công theo ông cần phải có hình thức nào?
Nếu chúng ta có một hệ thống luật lệ tốt thì những chuyện đó không phải nói đi nói lại nhiều lần nữa. Do vậy việc cần làm hiện nay là phải sửa đổi, bổ sung luật bằng cách đưa ra những quy định cụ thể, trường hợp nào phải đấu giá, trường hợp nào cho phép chỉ định thầu. Dĩ nhiên, trong trường hợp chỉ định thầu, các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền phải công khai, minh bạch như trưng cầu dân ý.
Hiện nay, khu vực hành chính sự nghiệp của chúng ta có khoảng hơn 200.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất khoảng 2.605 triệu m2, diện tích nhà 142 triệu m2. Đây là nhà đất trong đơn vị hành chính sự nghiệp nên mục đích chính là để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Sau khi xếp lại phải phân chia rõ khu vực bất động sản. Cụ thể, khu vực sinh lời thì bắt buộc đấu giá. Những loại không có khả năng thu hồi vốn là công trình công cộng thì nhà nước đứng ra đầu tư. Sau đó nếu đến tay doanh nghiệp thì xã hội hoá. Cùng đó cần phải huy động nguồn lực trong dân bằng cách Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xác định quy hoạch “xương sống” nhà nước sẽ đứng ra đầu tư làm hạ tầng, còn những hạ tầng khu vực thì huy động nguồn lực trong dân. Dân biết mình làm gì và được làm gì sẽ quản lý tốt hơn.
Tiếp đó cần sửa Luật đất đai theo hướng bãi bỏ việc Chính phủ ban hành khung giá đất và giao toàn quyền việc ban hành bảng giá đất dưới hệ số K điều chỉnh hàng năm cho chính quyền địa phương quyết định có như vậy mới sát giá thị trường.
- Liệu chúng ta có khả năng xử lý mạnh tay hơn thưa ông?
Trong luật có quy định rất mới là nước ta sẽ xây dựng một hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để các giao dịch về tài sản công sẽ được thực hiện trên hệ thống đó mà con người không thể can thiệp vào. Tuy nhiên nếu làm một cách quyết liệt, mạnh tay và đặc biệt quá trình xử lý, xem xét, quy trách nhiệm không có vùng cấm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị gây thất thoát đất công thì tôi tin rằng những điều này sẽ làm minh bạch thị trường.
- Xin cảm ơn ông!