Hơn 1 tháng sau phiên đấu giá đất "lập đỉnh" tại Thanh Oai (Hà Nội), 80% lô có mức giá trúng cao đã bỏ cọc, trong khi các phiên đấu giá gần đây vẫn rầm rộ.
Như đã thông tin, ngày 10/8, phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai với 68 thửa đất tại xã Thanh Cao đã gây xôn xao dư luận khi thu hút 4.600 hồ sơ đăng ký tham gia, giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2.
Sau phiên đấu giá, lô góc có giá trúng cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m², trong khi hầu hết các lô đất khác cũng đạt mức giá 80-90 triệu đồng/m². Lô trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m².
Theo quy định, người trúng đấu giá đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hai đợt trong 30 ngày. Đợt thanh toán cuối cùng của phiên đấu giá này vào ngày 14/9. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, số tiền dự kiến thu về từ phiên đấu giá này là hơn 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết sáng 16/9, chỉ có 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tổng số tiền chỉ gần 60 tỷ đồng. Toàn bộ các lô có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m² đều bị bỏ cọc.
Theo ông Lê Hồng Phúc, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai, sau phiên đấu giá với số lượng người tham gia kỷ lục, đơn vị và chính quyền địa phương thực sự đau đầu và rất vất vả. Tưởng chừng như phiên đấu giá thành công, nhưng thực tế chỉ có 13/68 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khiến số tiền thu về chỉ đạt 20% so với dự kiến. Thời gian đấu lại chưa xác định được thời điểm, khiến ngân sách địa phương gặp khó.
Đáng chú ý, sức "nóng" từ kết quả phiên đấu đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai, tại huyện Hoài Đức, phiên đấu giá ngày 19/8 cũng tiếp tục "gây sốc" khi lô đất có giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2. Chỉ còn ít ngày nữa, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá đất của các lô tại phiên đấu giá này cũng kết thúc. Kết quả bỏ cọc tại phiên đấu giá Thanh Oai tiếp tục đặt thêm nghi vấn làn sóng bỏ cọc đấu giá có tái diễn tại Hoài Đức.
Trong bối cảnh còn nhiều diễn biến trái chiều, huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã phải tạm dừng, dời lịch nhiều phiên đấu giá.
Trong khi đó tại huyện khác là Phúc Thọ, các phiên đấu giá gần đây tiếp tục nhận về nhiều sự quan tâm. Trong phiên đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc vào ngày 16/9. Theo thống kê, cuộc đấu giá này có 140 hồ sơ đăng ký. Kết thúc buổi đấu giá, 13 lô đều được bán thành công. Trong đó, lô trúng cao nhất với giá 75 triệu đồng một m2, lô thấp nhất là 28,6 triệu một m2.
Trong tháng 9/2024, các huyện ngoại thành Hà Nội như Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đấu giá đối với hơn 200 lô đất.
Theo thông báo của các đơn vị tổ chức đấu giá, ngày 22/9, 42 lô đất tại xã Phú Yên và xã Châu Can, huyện Phú Xuyên có diện tích từ 63-105m2/lô sẽ được tổ chức đấu giá với giá khởi điểm từ 7,4-25,8 triệu đồng/m2.
Tại huyện Mỹ Đức, ngày 20/9 sẽ diễn ra buổi đấu giá 23 thửa đất tại xã Phúc Lâm. Các thửa đất có diện tích từ 66-204m2, giá khởi điểm từ 4,9 triệu đồng/m2. Ngày 26 và 27/9 sẽ tiến hành đấu giá 54 lô đất tại xã Mỹ Thành và 56 thửa đất tại xã Xuy Xá với diện tích từ 71-211m2/lô, giá khởi điểm chỉ gần 3,6 triệu đồng/m2.
Ngày 28/9, tại huyện Mê Linh dự kiến tổ chức buổi đấu giá 11 lô đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh với diện tích 90m2/lô, giá khơi điểm hơn 23 triệu đồng/m2.
Với số lượng đất đấu giá lớn, vấn đề ngăn đầu cơ, “thổi giá”, bỏ cọc tái diễn, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát lại quy trình định giá. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, vấn đề nằm ở việc xác định giá khởi điểm và tiền đặt cọc phù hợp tình hình thị trường.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng, cần áp dụng biện pháp cấm đấu giá trong khoảng thời gian nhất định với những cá nhân có hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc để ngăn chặn làm nhiễu loạn thị trường.
Cùng ý kiến vấn đề nằm ở khâu xác định mức giá khởi điểm, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Công ty Luật Song Anh cho rằng với mức tiền cọc 20% hiện nay là hợp lý, nhưng điều quan trọng là giá khởi điểm phải sát với giá thị trường.
Còn đối với những trường hợp trúng đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc, cần phải kiểm tra lịch sử đấu giá, giao dịch bất động sản của các cá nhân này. "Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cơ quan an ninh cần vào cuộc để xem xét có yếu tố cấu kết, thổi giá, thao túng thị trường…", ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Còn theo ông Lê Hồng Phúc, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai, để tránh lặp lại tình trạng trên ngoài xem lại giá đất khởi điểm, cần áp dụng công cụ thuế đối với các khách hàng trúng đấu giá.
"Trong vòng 24 tháng, những lô đất trúng đấu giá không được chuyển nhượng, nếu chuyển nhượng phải tính thuế, phí dựa trên giá đấu trúng. Điều này sẽ giúp hạn chế đầu cơ và làm ổn định thị trường," ông Phúc kiến nghị.