Chính sách - Quy hoạch

TP HCM sắp đấu giá đất “vàng” Thủ Thiêm

Vi Anh 09/09/2024 16:56

TP HCM đang lên kế hoạch đấu giá hơn chục lô đất tại Thủ Thiêm giai đoạn 2025-2026, trong đó có 4 lô đất "vàng" từng bị bỏ cọc.

Ảnh chụp Màn hình 2024-09-09 lúc 10.24.55
TP HCM đang lên kế hoạch đấu giá hơn chục lô đất tại Thủ Thiêm giai đoạn 2025-2026.

Nhiều lô đất “vàng” sắp đấu giá trở lại

Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm , TP Thủ Đức. Theo đó, trong giai đoạn 2024 - 2025, TP HCM xử lý chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã ký với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất với 4 lô đất 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 tại khu chức năng số 3.

Cùng với đó, TP HCM sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất thuộc khu chức năng số 1 và khu chức năng số 3. Cụ thể, lô 1-2 (rộng 7.800m2), lô 1-3 (rộng 5.000 m2) cùng được quy hoạch là dân cư đa chức năng, lô 3-5 (rộng 6.500 m2) quy hoạch khu nhà ở chung cư hỗn hợp có bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ. Dự kiến, việc đấu giá sẽ thực hiện trong tháng 6/2025.

Sau giai đoạn trên, TP HCM dự kiến triển khai đấu giá tiếp 4 lô đất thuộc khu chức năng số 1; 3 lô thuộc khu chức năng số 3 và 1 lô thuộc khu chức năng số 7. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 7/2025 đến năm 2026.

Đối với khu phức hợp thể thao giải trí 2c gồm 6 lô, UBND TPHCM giao TP Thủ Đức phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định. Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM được giao trình UBND TP HCM về thống nhất chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá.

Đối với 2 lô đất 1-12 và 1-20, UBND TP Thủ Đức báo cáo UBND TP HCM về tình hình tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên Môi trường được giao trình UBND TP về thống nhất chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá.

Về tổ chức thực hiện, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực Tổ Công tác 3588) thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; chủ động chủ trì, phối hợp với thành viên Tổ công tác 3588, các sở ngành, đơn vị có liên quan để giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện; kịp thời báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu, đề xuất, trình UBND TP.

Ảnh chụp Màn hình 2024-09-09 lúc 10.28.11
Các lô đất ở Thủ Thiêm từng được đấu giá thành công vào cuối năm 2021 sau đó bị bỏ cọc.

Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tổ chức, thực hiện và ký hợp đồng thuê đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc đấu giá theo quy định về đấu thầu…

Bài học từ năm 2021

Có thể thấy, hoạt động đấu giá đất “vàng” ở Thủ Thiêm từng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, khi vào thời điểm năm 2021 đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp thắng đấu giá ở mức “trên trời” rồi lần lượt bỏ cọc. Điều này đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thời điểm đó, bởi giá đất trúng thầu cao hơn nhiều so với mặt bằng giá thị trường đã làm hạn chế khả năng tiếp cận dự án của các chủ đầu tư có tiềm lực và thực sự quan tâm.

Để hạn chế được vấn nạn này, một số chuyên gia bất động sản đã đưa ra các giải pháp. Như ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam chia sẻ: Đầu tiên là cần làm tốt khâu sàng lọc nhà đầu tư. Cần cụ thể hóa các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực và sự quan tâm thực chất.

Bên cạnh đó, cân nhắc tiêu chí kết quả hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư trong những năm gần nhất, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, tổng vốn, số lượng dự án bất động sản đã từng thực hiện. Về khả năng thực hiện dự án, có thể sàng lọc thông qua kế hoạch phát triển dự kiến của họ trên khu đất tham gia đấu giá (điều kiện về vốn chủ sở hữu,…) Việc sàng lọc này sẽ giúp tránh những đơn vị có khả năng gây nhiễu loạn thị trường.

Thứ hai là cần hoàn thiện quy trình về giá đất khởi điểm, hình thức đấu giá… Ví dụ những lô đất có diện tích thương mại, chẳng hạn cho văn phòng hay khách sạn quá cao ở những khu vực không phát triển hai loại hình này. Do đó khi xác định giá đất, có thể sẽ dẫn đến sự khác biệt giữa giá khởi điểm đưa ra và giá thị trường mà các nhà đầu tư có thể đấu giá được. Điều này dẫn đến khả năng cuộc đấu giá không thành công, do giá khởi điểm không hấp dẫn nhà đầu tư.

Để tránh được điều này cần có quy hoạch phù hợp và đơn giá khởi điểm hợp lý. Ngoài đơn vị chủ quản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần có sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên môn (quy hoạch và thị trường), am hiểu phát triển.

Ngoài ra, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE cho rằng, tính minh bạch thông tin trong quy trình đấu giá cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp hoạt động đấu giá được diễn ra đúng mục đích. Liên quan đến vấn đề bỏ cọc, theo bà Dung, cần đảm bảo và sàng lọc được “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp và có quy trình kiểm soát chặt chẽ với tổ chức thắng thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM sắp đấu giá đất “vàng” Thủ Thiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO