Trước những bất cập về việc nhiều dự án PPP dang dở vì chờ thủ tục điều chỉnh, thì mới đây Dự án cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông được đề xuất theo phương thức PPP đang để lại nhiều ý kiến trái chiều.
>>Tìm cách thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam
Đầu tư cao tốc theo phương thức PPP…
Đáng chú ý, trước những bất cập về việc nhiều dự án PPP ở TP HCM nói riêng và các tỉnh thành nói chùng còn nhiều dang dở vì chờ thủ tục điều chỉnh, chuyển hình thức đầu tư sang dùng ngân sách khiến nhiều dự án đối tác công tư (PPP) ở thành phố phải "trùm mền", ảnh hưởng người dân. Thì mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông theo phương thức PPP.
Đáng nói, mặc dù SCIC không nói rõ là đơn vị này có bỏ kinh phí lập đề xuất dự án hay không, nhưng theo đánh giá của SCIC việc lựa chọn hình thức nhà đầu tư tự đề xuất dự án có thể đẩy nhanh tiến độ bước chuẩn bị dự án.
Cũng theo SCIC, nếu dự án được thực hiện phương thức PPP, có thể sẽ tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục bố trí nguồn vốn cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi. Song, một vấn đề rất đáng lưu ý mà SCIC nêu ra là: “Nhà đầu tư đề xuất dự án có thể sẽkhông trúng thầu trong bước đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện bước chuẩn bị dự án, sau khi cơ quan có thẩm quyền không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện Dự án thông qua đấu thầu rộng rãi, SCIC có thể tham gia đầu tư theo hình thức thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao bằng nguồn vốn do SCIC tự cân đối.
Do đó, theo SCIC, để rút ngắn tiến độ triển khai nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, SCIC đề xuất Bộ GTVT thực hiện bước “Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP” theo quy định tại Điều 25 - Nghị định 35/2021/NĐ-CP.
Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì Bộ GTVT có thể trình Thủ tướng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 40 - Luật PPP (trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Cũng theo SCIC, việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư có thể được thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư (ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt).
Theo thông tin, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông có điểm đầu tại vị trí giao Quốc lộ 14 với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại ranh giới giữa xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông và xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Đắk Nông.
Khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP HCM, tạo động lực để hai tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Phước từ 14.067 tỷ đồng xuống còn 11.750 tỷ đồng.
Theo phương án hướng tuyến do tỉnh Bình Phước đề xuất, tống mức đầu tư toàn Dự án giảm 1.917 tỷ đồng xuống còn 26.631 tỷ đồng.
>>Đề xuất sửa nhiều luật để “gỡ vướng” cho… dự án PPP
Nhưng liệu có khả thi?
Cũng cần phải nhắc lại rằng, hiện nay, nhiều dự án PPP ở TP HCM dang dở vì chờ thủ tục điều chỉnh, chuyển hình thức đầu tư sang dùng ngân sách khiến nhiều dự án đối tác công tư (PPP) ở thành phố phải "trùm mền", ảnh hưởng người dân.
Cụ thể, đầu tháng 5, công trường cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) im lìm, không một bóng người. Hàng rào tôn cao khoảng 2m khóa kín, phía trong cỏ dại um tùm phủ quanh các khối bê tông, ống thoát nước, sắt thép ngổn ngang... Phần chính của cầu đã bắc ngang kênh Tham Lương - Bến Cát, nhiều đoạn bê tông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày. Hai bên, mỗi nhánh cầu thép rộng chừng 3 m xây tạm, mỗi lần ôtô đi qua lại rung bần bật.
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công cách đây hơn 4 năm theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) làm nhà đầu tư. Cầu dài hơn 80 m cùng đoạn đường dẫn 225 m được xây nhằm thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Công trình ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí hoàn vốn.
Cuối năm 2018 - thời điểm công trình dự tính hoàn thành nhưng mới đạt 70% khối lượng rồi ngưng trệ. Ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm trễ, Kiểm toán Nhà nước kết luận dự án triển khai theo hình thức BOT không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội. Nghị quyết này chỉ cho phép hình thức BOT đầu tư tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án nâng cấp, tuyến đường độc đạo hiện hữu. Cơ quan kiểm toán đề nghị TP HCM kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo công bằng cho người dân trả phí.
Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc để dự án triển khai trở lại đang bị bế tắc. Thành phố chưa có tiền lệ cho việc chuyển dự án từ hình thức PPP sang đầu tư công và dừng hợp đồng BOT trước thời hạn nhưng lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện, công trình bị "trùm mền" ngoài gây lãng phí còn ảnh hưởng đi lại, ô nhiễm, bởi nhiều điểm xung quanh bị tận dụng để tập kết rác.
Tương tự, tại dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn hai), hợp đồng BOT giữa TP HCM và Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) ký năm 2018, tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng. Do làm trên đường hiện hữu nên dự án cũng phải dừng, chờ chuyển hình thức đầu tư. Công trình gồm hạng mục nâng cấp một số đường quanh bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), mở rộng cầu Ông Dầu ở quốc lộ 13 (TP Thủ Đức)... Trong đó, CII đã hoàn thành nhánh cầu Ông Dầu và chi một phần đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm.
Vừa qua doanh nghiệp này đã làm việc các sở ngành của thành phố nhưng giải quyết chưa xong. Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII, dự án chậm trễ không chỉ nhà đầu tư mà cả thành phố cũng chịu thiệt. "Vốn sở hữu doanh nghiệp bỏ ra nằm chờ, chưa lấy lại được, trong khi phần vay ngân hàng phát sinh lãi từng ngày thành phố phải chịu", bà Trâm nói và hy vọng thành phố sớm giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp sớm thu hồi vốn.
Không chỉ các công trình BOT, nhiều dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang làm dở dang ở thành phố cũng vướng mắc khi phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án để phù hợp thực tế hoặc thực hiện theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Điển hình như dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng đang ngưng trệ sau 5 năm khởi công.
Là một trong các đoạn thuộc Vành đai 2, dự án được triển khai từ cuối năm 2017, nhưng đến tháng 3/2020 phải tạm dừng khi đạt gần 44% khối lượng. Cuối năm 2021, lãi phát sinh tại dự án được tính toán hơn 230 tỷ đồng sau thời gian tạm dừng, thành phố sẽ phải chi trả.
Một trong những nguyên nhân khiến dự án ngưng trệ, theo nhà đầu tư là phải chờ ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện, định giá các lô đất thanh toán... Trước đó, nhà đầu tư cho biết đã chi khoảng 1.400 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và thi công tại dự án.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết thành phố đã giao sở ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư hai dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý và cầu đường Bình Triệu để chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, ngoài các thủ tục chưa được hướng dẫn cụ thể, quá trình giải quyết cũng tốn nhiều thời gian, bởi cần xác định rõ chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra trong dự án trước khi tiến hành các thủ tục thanh, quyết toán. Và việc này hiện đang được thành phố dự tính hoàn tất trong năm nay để khởi động lại các dự án - ông Phúc nói.
Còn theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Trần Anh Tuấn, cho biết: “theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án sẽ được quyết định các vấn đề liên quan, bao gồm cả việc dừng hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, trình tự thủ tục, cùng các bước thực hiện chưa được hướng dẫn chi tiết, do vậy thành phố vẫn phải chờ”.
Đáng chú ý, để tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án PPP đã ký kết, mới đây Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể như cho phép dùng vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư phần việc đã làm và triển khai tiếp khối lượng còn lại công trình sớm hoàn thành...
Trong khi đó, đối với các dự án PPP trọng điểm đang chuẩn bị đầu tư, HĐND thành phố đã thông qua nguồn vốn để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, lên kế hoạch kêu gọi đầu tư... Trong đó, các dự án sẽ được thành phố ưu tiên như cầu Thủ Thiêm 4, Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, Bình Tiên... Riêng các dự án BT đang triển khai dang dở, thành phố đã lập tổ công tác riêng để cập nhật tình hình hàng tuần, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Có thể bạn quan tâm
14:36, 21/04/2022
20:14, 14/04/2022
04:10, 23/02/2022
14:48, 19/01/2022
00:39, 20/12/2021
16:55, 14/12/2021
11:20, 02/12/2021
13:46, 26/11/2021
13:22, 23/11/2021
04:00, 21/11/2021