Cứ đến mỗi năm tài khóa, chuyện thâm hụt ngân sách lại “nóng” lên, nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều giải pháp đưa ra giữa nghị trường Quốc hội.
Trong vòng 3 năm thực hiện Nghị quyết đầu tư công trung hạn, tổng số tiền 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Các con cố lượng hóa cho thấy đầu tư công là lĩnh vực hao tiền tốn của. Song, hiệu quả đến đâu chưa thấy ai trả lời.
Đó là một ý kiến rất “nóng” tại nghị trường Quốc hội (ngày 29/10) của đại biểu Vũ Thị Như Mai, cũng là tiếng nói của những công trình dang dở, đắp chiếu bỏ hoang, hoạt động èo uột từ khắp mọi miền đất nước, từ địa phương giàu đến địa phương nghèo, từ miền ngược xuống miền xuôi.
Con số thống kê cho thấy, đầu tư công ở nước ta rất phổ biến, nó cho phép liên tưởng đến tương lai ngắn nữa thôi các công trình được xây bằng tiền ngân sách mọc lên khắp nơi. Người hưởng lợi không chỉ là nhân dân!
Ở Australia - quốc gia có cơ sở hạ tầng rất hiện đại, số lượng công trình đầu tư công không được tính bằng con số hàng ngàn như nước ta, họ tập trung vào một vài dự án lớn đủ sức lan tỏa. Hay ở Hàn Quốc 2/3 vốn đầu tư các công trình công cộng là vốn tư nhân.
Với Việt Nam, địa phương nào cũng có dự án, và hầu như địa phương nào cũng có công trình dang dở, thậm chí nguyên nhân được cho thiếu tính toán khảo sát ban đầu, khi rót tiền vào xây dựng mới lòi ra bất cập! Phải chăng, đầu tư công đang vận hành theo cơ chế “xin - cho”.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 29/10/2018
10:13, 29/10/2018
05:15, 29/10/2018
05:55, 23/10/2018
Tuyến xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội, là công trình bài bản, có làn đường riêng, kỳ vọng gỡ nút thắt giao thông thủ đô. 14,7 km tiêu tốn 53,6 triệu USD. Hiệu quả chưa thấy đã thấy bài ca muôn thuở: “thất thoát vốn”, “chậm tiến độ”, vi phạm Luật đấu thầu”.
Mức độ hoành tráng là thế nhưng kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe buýt nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 75,4% công suất.
Trong khi tắc đường, rối loạn giao thông giờ cao điểm vẫn như cơm bữa ở thủ đô, ngân sách công oằn mình gánh chịu. Cuối cùng ai phải chịu trách nhiệm về sai phạm ở dự án BRT?
Xe buýt mui trần ở Hà Nội cũng không khá khẩm hơn, “đìu hiu” là tính từ phù hợp nhất mô tả tình trạng này. Được đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn rất cao nhưng vì sao hành khách chưa tha thiết. Một lần nữa liên quan đến khâu đánh giá, khảo sát tiền khả thi.
Còn rất nhiều dự án được thực hiện bằng ngân sách chỉ để lại hệ quả, đây không phải tình trạng mới nảy sinh, mà nhiều năm nay.
Chúng ta không thiếu cơ quan, tổ chức để giám sát công trình đầu tư công, phía dân ở cơ sở có “thanh tra nhân dân” và “giám sát đầu tư cộng đồng” nhưng hầu như không có tác dụng.
Một nông dân ở Quảng Ngãi, tay không tấc sắt nhưng có công phát hiện ra biểu hiện “lạ” trên tuyến cao tốc 34.000 tỷ đồng. Người nông dân này bị đe dọa, bị đánh vì liên tục tố cáo điều bất thường.
Vì sao phát hiện ra sai phạm lại là một người nông dân chứ không phải là cơ quan giám sát có đủ công cụ, chức sắc?
Cứ đến mỗi năm tài khóa, chuyện thâm hụt ngân sách lại “nóng” lên, nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều giải pháp đưa ra giữa nghị trường Quốc hội, nhưng chưa một cơ quan, tổ chức nào cam kết đến bao giờ chấm dứt.
Dĩ nhiên, có nhiều thứ làm bội chi ngân sách, nhưng đầu tư công tràn lan, mất kiểm soát chất lượng và nhẹ nhàng trách nhiệm chính là “cửa xả” để những đồng tiền thuế, tiền đi vay không cánh mà bay. Bởi thế, hiệu quả đầu tư công ra sao vẫn phải chờ.