Hiện có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.
Cũng theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt sẵn sàng chi tiêu đến 35% thu nhập cho giáo dục.Nếu như năm 2006, trường Đại học FPT được thành lập chỉ mất 9 tháng là hoàn thiện đẩy đủ mọi thủ tục, thì giờ đây, chỉ xin thành lập một trường phân hiệu thôi cũng phải chờ mất 3 năm trời. Đây là chỉa sẻ của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Việt Nam.
Nhà đầu tư khó nhọc vì điều kiện kinh doanh
Phàn nàn về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, nhiều nhà đầu tư khẳng định rằng, họ đang gặp trở ngại về điều kiện kinh doanh chưa thực tế, thủ tục còn nhiều bước, gây tốn kém thời gian và công sức cho nhà đầu tư. Để được xây dựng trường học nhà đầu tư phải “xin” tới 3 loại giấy phép bao gồm: giấy phép đầu tư, thành lập và hoạt động. Trong đó, quan ngại nhất là việc xin giấy phép thành lập bởi phải trải qua quy trình xem xét và phê duyệt của nhiều phòng ban, cơ quan. Nói lên những lo ngại của mình, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Việt Nam khẳng định, vấn đề đặc biệt khiến nhà đầu tư lo ngại là trong hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập có ghi là hồ sơ dự kiến số lượng giáo viên và dự kiến số lượng nhân viên, song cơ quan thực thi và cơ quan ban hành luật có cách hiểu hoàn toàn khác nhau, yêu cầu nộp hồ sơ giáo viên bao gồm giấy phép lao động hợp pháp tại thời điểm cấp phép. Như thế có nghĩa là doanh nghiệp phải tuyển giáo viên, ký hợp đồng, trả lương và xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên khi chưa hoạt động.
Theo Luật Đầu tư, giáo dục được khuyến khích đầu tư cao, các cam kết WTO và văn bản hướng dẫn khác cũng cho phép tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực này lên đến 100%. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 24 của Nghị định 73/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì các cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%. Và vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải là tỷ lệ học sinh Việt được phép học trong trường quốc tế lại tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học.
Quy định này đồng nghĩa, trong 10 học sinh đăng ký học trong một cơ sở giáo dục quốc tế, thì chỉ có một học sinh Việt Nam được phép học. Nếu các cơ sở đầu tư nước ngoài không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam cũng không được phép đăng ký học. Nói như bà Nguyễn Kim Dung, Đại diện diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thì quy định này đang hạn chế số lượng sinh viên Việt Nam có thể thụ hưởng môi trường học tập quốc tế.
Còn nhiều dư địa đầu tư
Mặc dù, giáo dục Việt Nam được coi là lĩnh vực còn rất nhiều dư địa, nhưng vấn đề là các nhà đầu tư có cơ hội để tận dụng tốt dư địa này không?
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng từng lưu ý, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần được Bộ GD&ĐT chú trọng, nhất là trong lĩnh vực liên kết đào tạo nước ngoài. Các quy định cần phải được lượng hóa, không chung chung. Bộ GD&ĐT cần thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư. Đây chính là dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng hay ưu đãi để tăng trưởng.
Để thu hút nhà đầu tư, Bộ GD&ĐT đã đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa 110 điều kiện (chiếm 51.9%). Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh ban đầu 212 điều kiện. Tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị bãi bỏ, cắt giảm: 81 điều kiện kinh doanh (chiếm 38.2%). Tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị đơn giản hóa: 29 điều kiện (chiếm 13.7%).
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie: Khó thành lập trường ngoài công lập Việc cấp quyết định thành lập trường ngoài công lập là cực kỳ khó vì mâu thuẫn tương tự như tình trạng “có nhà ở Hà Nội mới cho làm hộ khẩu nhưng lại thêm quy định có hộ khẩu mới được mua nhà”. Tình hình dù được cải thiện thì hiện vẫn có hai giấy phép thuộc “2 cấp” khác nhau: giấy phép thành lập và cấp phép hoạt động. Trước đây, chúng tôi lao đao về con số diện tích trưởng phải có 6m2/học sinh. Chúng tôi phải tạo ra… “nhiều điều phi thường” và xin chuyển sang 6m2 thành diện tích sàn sử dụng. Đề nghị Bộ GD&ĐT vận dụng tinh thần “kiến tạo” của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho trường tư thục ra đời thuận lợi, lớn lên và thành mảnh đất để “nhà đầu tư gieo hạt”. Bà Lại Phương Thảo, hiệu trưởng trường mầm non tư thục Reggio Việt Nam: Cán bộ quản lý cũng phải có tinh thần kiến tạo Các trường mầm non tư thục cũng khổ vì thủ tục. Hồ sơ của chúng tôi lưu trữ điện tử, từ sổ đầu bài, sổ liên lạc và rất nhiều văn bản khác đều điện tử hết. Nhưng khi Sở về kiểm tra thì vẫn cứ đòi bản giấy, giáo viên của chúng tôi lại phải ngồi viết tay lại. Chép như vậy không khác nào chép phạt. Chưa kể, nhà nước đang lo lắng việc không quản lý được giáo viên, nhà trường. Trong khi phụ huynh là cơ quan kiểm tra chất lượng tốt nhất. Chính phụ huynh học sinh là những ngời giám sát hàng ngày. |