Chứng khoán

Đầu tư theo hồ sơ tài chính và khẩu vị rủi ro cá nhân năm 2025

Ngô Thành Huấn, Giám đốc Điều hành FIDT 01/02/2025 04:12

Năm 2025, hoạt động phân bổ đầu tư cần linh hoạt và có thể điều chỉnh, tái cấu trúc danh mục phù hợp với biến động của thị trường cùng mục tiêu cụ thể để tối ưu hiệu quả.

Trong bất kỳ giai đoạn nào của nền kinh tế, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với chiến lược phân bổ tài sản khoa học, luôn là nền tảng vững chắc để mỗi cá nhân và gia đình tận dụng tối đa tiềm năng phát triển.

Năm 2025, trong bối cảnh chu kỳ kinh tế mới đang mở ra với vô vàn cơ hội và thách thức, các lớp tài sản đầu tư gồm chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, vàng, ngoại tệ, và kênh đầu tư mới mà nhà đầu tư đang quan tâm có thể nghiên cứu để nắm bắt thông tin như crypto (tài sản kỹ thuật số), cần được nhà đầu tư có chiến lược phân bổ và quản lý rủi ro phù hợp.

Dau tu quan ly gia san
ThS Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT.

Triển vọng đầu tư ở các kênh được chúng tôi nhận diện cơ bản như sau:

Chứng khoán và bất động sản nổi bật với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, trong khi bất động sản phục hồi nhờ gỡ vướng pháp lý, đầu tư công và cải thiện hạ tầng.

Trái phiếu doanh nghiệp có triển vọng ổn định khi niềm tin nhà đầu tư dần hồi phục nhờ chính sách tăng cường minh bạch.

Vàng tiếp tục là kênh trú ẩn an toàn, nhưng triển vọng phụ thuộc vào diễn biến kinh tế và lạm phát toàn cầu.

Tiền gửi ngân hàng dù ổn định nhưng lợi suất kém hấp dẫn trong môi trường đầu tư sôi động.

Tiền kỹ thuật số được đánh giá là kênh đầu tư đầy tiềm năng nhờ sự phát triển của công nghệ blockchain và sự quan tâm ngày càng tăng từ các tổ chức tài chính lớn. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tiềm ẩn rủi ro cao do biến động giá mạnh, thiếu sự điều tiết chặt chẽ và dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách pháp lý của Chính phủ.

Ngoại tệ USD có thể chịu áp lực lớn từ biến động tỷ giá, đặc biệt là từ chính sách tiền tệ của Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Theo khẩu vị đầu tư và hồ sơ tài chính của người đầu tư Việt Nam, chúng tôi đưa ra 3 phương án với 3 đối tượng khách hàng: 1) Nhà đầu tư tăng trưởng nên tập trung vào chứng khoán và bất động sản để tối đa hóa lợi nhuận, vẫn nên duy trì một mức tỷ trọng tương đối vào trái phiếu hay vàng, tiền gửi. 2) Nhà đầu tư cân bằng cần kết hợp cân bằng giữa cổ phiếu, bất động sản và trái phiếu, tiền gửi để vừa tăng trưởng lợi nhuận vừa quản trị rủi ro. 3) Nhà đầu tư ổn định nên ưu tiên bất động sản, tiền gửi ngân hàng và vàng để bảo toàn vốn và đảm bảo sự ổn định.

Các tỷ trọng trên được xây dựng dựa trên bối cảnh đầu năm 2025 và sẽ được theo dõi, đánh giá định kỳ hàng tháng. Cần linh hoạt điều chỉnh và tái cấu trúc danh mục phù hợp với biến động của thị trường và mục tiêu cụ thể của nhà đầu tư, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong các điều kiện kinh tế khác nhau.

Bên cạnh đó, năm 2025, theo dõi sát các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường như chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế, đầu tư công, biến động tỷ giá và lạm phát. Xu hướng công nghệ mới và rủi ro địa chính trị toàn cầu cũng được xem xét để đánh giá biến động và tái cấu trúc danh mục đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thị trường.

Dưới góc nhìn quản lý gia sản, việc lựa chọn kênh đầu tư cần được xem xét đầy đủ trên 2 cơ sở mang tính nội tại và riêng biệt của mỗi cá nhân, cụ thể: Hồ sơ rủi ro và Lợi nhuận kỳ vọng.

Phan bo dau tu
Khuyến nghị phân bố tỷ trọng đầu tư 2025

Đối với Hồ sơ rủi ro (Risk profile) bao gồm 2 yếu tố quan trọng: Khả năng chịu đựng rủi ro (Risk Tolerance); Khẩu vị chấp nhận rủi ro (Risk Appetite). Trong đó, khả năng chịu đựng rủi ro mang tính khách quan khá cao và không dễ để thay đổi trong ngắn hạn. Nó bao gồm nhưng không giới hạn những yếu tố như tính ổn định và tăng trưởng của thu nhập, nhu cầu và tính lạm phát lối sống trong chi tiêu, độ lớn của tài sản tích lũy hiện có, mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay) đang sử dụng, các nguồn bảo vệ tài chính hiện có (quỹ dự phòng, bảo hiểm), tài sản thừa kế tiềm năng,… Một cá nhân có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể gia tăng sự đảm bảo cho việc họ chịu đựng được các biến động trong việc lựa chọn các kênh đầu tư có tính rủi ro cao và đi kèm tiềm năng lợi nhuận lớn, hoặc ngược lại nếu khả năng chịu đựng rủi ro kém có thể hạn chế cá nhân đó với các kênh đầu tư hấp dẫn nhưng có tính rủi ro.

Ở chiều còn lại, khẩu vị chấp nhận rủi ro lại liên quan đến yếu tố yêu thích mạo hiểm vốn có của mỗi người, và vì vậy nó có tính chủ quan cao. Tuy nhiên, về cơ bản, khẩu vị rủi ro được hình thành một phần từ kiến thức và trải nghiệm đầu tư của mỗi người, từ trực tiếp hoặc gián tiếp (thông tin từ truyền thông, bạn bè, đồng nghiệp,…) nên có thể điều chỉnh phù hợp dựa theo sự hiểu biết và cập nhật kiến thức.

Tương ứng với hồ sơ rủi ro, mỗi cá nhân cần có những mục tiêu lợi nhuận phù hợp trong ngắn, trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu tài chính. Từ đây, người quản lý gia sản sẽ định hình tỷ trọng phân bổ danh mục đầu tư theo các lớp tài sản để vừa đạt được mục tiêu lợi nhuận dự kiến cho khách hàng, vừa hài hòa các yếu tố trong quản trị danh mục như phù hợp chu kỳ kinh tế, cân bằng về thanh khoản, đa dạng và tối ưu rủi ro.

Việc phân bổ danh mục đầu tư, trước tiên, cần nhắc đến yếu tố mang tính chi phối lớn nhất đến một quyết định đầu tư thành công hay thua lỗ mà phần đông người Việt ít quan tâm, đó chính là chu kỳ kinh tế. Ví dụ, việc mua đất vùng ven hay dự án bất động sản giá trị cao vào giai đoạn kinh tế bước vào pha “Giảm tốc” như năm 2022 với các tín hiệu khá rõ nét (lãi suất tăng liên tục nửa sau 2022, thị trường chứng khoán giảm mạnh, lạm phát tăng nhanh,…) sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và ngược lại là cơ hội vô cùng lớn cho những nhà đầu tư nắm rõ chu kỳ và giảm bớt bất động sản để cơ cấu sang vàng và cổ phiếu trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư theo hồ sơ tài chính và khẩu vị rủi ro cá nhân năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO