Với ưu đãi thuế vào các đặc khu như hiện nay, không chỉ doanh nghiệp đa quốc gia mà cả doanh nghiệp trong nước sẽ né thuế thông qua hoạt động chuyển lợi nhuận giữa trong và ngoài đặc khu.
Đây là những nhận định được các chuyên gia đưa ra tại chương trình "Thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế" được tổ chức mới đây. Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, các chính sách ưu đãi thuế trong dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ tạo ra "vùng trũng" cho doanh nghiệp "né" thuế.
Ưu đãi phải phù hợp với thế giới
Bày tỏ băn khoăn của mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính chia sẻ: “Chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam vốn đã cao so với các nước trong khu vực, nếu chúng ta lại có ưu đãi thuế nữa cho các đặc khu kinh tế thì cộng đồng quốc tế sẽ nghĩ gì về chính sách thuế của Việt Nam và họ sẽ cư xử như thế nào với chúng ta trong các hoạt động quốc tế”.
Ngoài ra, cũng theo ông Thịnh, việc Việt Nam có những ưu đãi với công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu là hoàn toàn mang tính chất định tính chứ không có tính định lượng. Bởi hiện nay, các khái niệm như thế nào là công nghệ cao chưa được định nghĩa một cách cụ thể và rõ ràng để có cơ sở soi chiếu. Ví dụ như câu chuyện của Samsung, mặc dù được cho là sử dụng công nghệ cao, tuy nhiên, những công đoạn thực hiện tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở lắp ráp.
Vì vậy, nhằm hạn chế bớt hiện tượng này, ôngThịnh cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan thuế cần nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ những ưu đãi đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để từ đó có những chính sách phù hợp với cái chung trên thế giới.
“Việc chuyển giá đã rất trầm trọng ở Việt Nam trong thời gian qua, nếu chúng ta tạo ra những vùng trũng về mặt chính sách thuế, thì chuyển giá có thể sẽ tiếp tục trở thành “bệnh nan y” không chỉ là đối với thuế, mà trở thành bệnh nan y với cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm mọi cách để chuyển giá dưới các hình thức khác nhau”, ông Thịnh lo ngại.
Đồng tình với quan điểm của ông Thịnh, chuyên gia kinh tế cao cấp Lưu Bích Hồ cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã bỏ những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cố gắng tạo ra một mặt bằng chung với cơ chế thông thoáng, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư.
Hàng trăm tỷ USD thất thoát mỗi năm
Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2017-2018), ba yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.
Ông Henrique Alencar - Tư vấn chính sách về Thuế và Bất bình đẳng, tổ chức Oxfam Novibphân tích, “Những chính sách ưu đãi kéo dài nhiều chục năm thì những thất thoát có thể nhiều hơn so với dự đoán của người làm chính sách, vì vậy cần tính toán rõ ràng”.
Mặt khác, chi phí quản lý thuế và hải quan cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các đặc khu có địa giới hành chính liền kề với với các khu vực không được áp dụng ưu đãi. Các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia đang phát triển đã không sử dụng nữa.
Các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam đang bị thất thu 100 tỷ USD hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, được biết, như Jamaica đã loại bỏ ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận theo ngành từ năm 2013; Ấn Độ bỏ ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, thay vào đó sử dụng ưu đãi thuế dựa trên đầu tư từ năm 2009; Ai Cập bỏ các loại ưu đãi về thời gian miễn thuế từ năm 2005 mà không hề có tác động tiêu cực tới đầu tư thậm chí, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ai Cập tăng gấp đôi năm 2006 so với năm 2005.
Ngoài ra, ông Henrique Alencar, những ưu đãi thuế với đặc khu dẫn đến giảm thu ngân sách, thậm chí dẫn đến thâm hụt ngân sách. Điều này dẫn đến việc, có thể Chính phủ sẽ phải cắt giảm các chương trình đầu tư cho giáo dục, y tế, các chương trình phúc lợi hoặc phải cắt giảm ưu đãi ở những khu vực không được ưu đãi.