Tài chính doanh nghiệp

Đẩy mạnh đầu tư mở rộng đội tàu, VOS lỗ quý thứ 3 liên tiếp

Đình Đại 07/05/2025 04:00

Kết thúc quý đầu năm, VOS lỗ sau thuế gần 54 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp và cũng là quý lỗ nặng nhất của doanh nghiệp ngành vận tải biển này.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam – Vosco (HoSE: VOS) ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 462 tỷ đồng, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn nên doanh nghiệp ngành vận tải biển này lỗ gộp gần 35 tỷ đồng trong quý đầu năm.

vosco.jpg
Vosco có quý kinh doanh thua lỗ thứ 3 liên tiếp - Ảnh: VOS.

Trong kỳ, các chỉ tiêu chi phí của doanh nghiệp như chi phí bán hàng và chi phí quản lý được tiết giảm đáng kể, lần lượt giảm gần 18% và 31,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh 500% so với cùng kỳ, lên gần 6,3 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp ngành vận tải biển này lỗ sau thuế gần 54 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của VOS, đồng thời cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh nghiệp này.

Lý giải về nguyên nhân chênh lệch doanh thu trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, lãnh đạo VOS cho biết, quý I/2025, thị trường tàu hàng khô rất ảm đạm, khởi đầu từ mức nền rất thấp cuối năm 2024 và lao dốc xuống đáy quanh Tết Nguyên Đán (BDI chạm mốc ~715 điểm), được ghi nhận là tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu Covid -19.

Sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nguồn cung tàu dư thừa và nhu cầu hàng hóa khan hiếm đã đẩy giá cước thuê tàu Supramax xuống còn khoảng 4.000-5.000 USD/ngày, thậm chí có chuyến chỉ còn 2.500 - 3.000 USD/ngày, trong khi phân khúc Small Handy cũng chịu cảnh cạnh tranh khốc liệt với lượng hàng rất ít ỏi.

Bên cạnh đó, thị trường tàu dầu sản phẩm quý I/2025 có nhiều diễn biến phức tạp và không ổn định, với một số thời điểm khá ảm đạm như tại kỳ nghỉ Lễ hoặc cuối tháng 3. Vì vậy, doanh thu của đội tàu khô và tàu dầu bị ảnh hưởng

Ngoài ra, trong quý I/2024, Công ty có 521 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động thương mại. Năm 2025, Công ty có doanh thu hoạt động thương mại từ quý II.

Về chênh lệch lợi nhuận và bị lỗ trong quý I, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm thấp hơn cùng kỳ do thị trường tàu hàng khô sụt giảm và thị trường tàu dầu có nhiều diễn bất thường.

Bên cạnh đó, quý I/2025, Công ty tiếp tục trích khấu hao nhanh đội tàu để có thêm dòng tiền phục vụ công tác đầu tư phát triển đội tàu. Nếu trích mức khấu hao thường, kết quả kinh doanh của Công ty trong quý có lãi.

“Quý I/2025, Công ty có nhiều tàu trọng tải lớn lên đà sửa chữa định kỳ, không có doanh thu và Công ty vẫn phải chịu chi phí ngày tàu như Vosco Sky, Vosco Unity và Vosco Starlight”, lãnh đạo VOS giải trình.

cpvos.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu VOS đang giao dịch quanh mức giá 13.700 đồng/cp, giảm 22,5% so với hồi đầu năm.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi cuối tháng 11/2024, VOS đã thông qua kế hoạch đầu tư 10 tàu, bao gồm 1 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 - 58.000 DWT, loại đã qua sử dụng dưới 15 tuổi với giá mua tối đa là 23 triệu USD/tàu; đóng mới 4 tàu cỡ Ultramax với trọng tải 62.000 - 66.000 DWT với giá mua tối đa là 40 triệu USD/tàu; đóng mới 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR với trọng tải khoảng 50.000 DWT với giá mua tối đa là 52 triệu USD/tàu. Đây sẽ là lần mở rộng đội tàu lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhấn mạnh năm nay sẽ sẽ tập trung đầu tư, phát triển đội tàu. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm để đầu tư hoặc thuê thêm tàu bằng nhiều hình thức phù hợp; trong đó tập trung vào tàu hàng rời cỡ Supramax, Ultramax, tàu dầu sản phẩm cỡ MR, tàu hóa chất và tàu container.

Mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân sụt giảm doanh thu và thua lỗ là do khó khăn từ thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Giới phân tích nhận định, giá cước có thể đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2025 nhờ khủng hoảng Biên Đỏ kéo dài, nhưng sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi đội tàu mới đồng loạt được đưa vào khai thác tạo áp lực nguồn cung.

Báo cáo từ Chứng khoán SSI cũng cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump được áp dụng, tương tự giai đoạn 2017-2019, khiến nhu cầu vận chuyển và giá cước container lên cao.

Ngoài ra, những áp lực tương tự căng thẳng Biên Đỏ sẽ có thể đẩy giá cước tăng mạnh hơn. SSI dự báo, lợi nhuận ngành vận tải biển chưa đạt đỉnh trong năm 2025 mà có thể kéo sang năm 2026.

Theo SSI, các doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu có thể chờ và đánh giá những diễn biến sắp tới do mức thuế quan hiện nay có thể thay đổi khi các cuộc đàm phán diễn ra. Điều này có thể dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn tại các cảng biển, khiến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn và thiếu hụt công suất vận chuyển.

“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với mức thuế đề xuất của Hoa Kỳ lên các tàu liên kết với Trung Quốc có thể đẩy giá cước vận chuyển, giúp các công ty vận chuyển hưởng lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong dài hạn, mức thuế cao có thể tác động kém tích cực đến nhu cầu tiêu dùng và sản lượng vận chuyển của Mỹ, gây ảnh hưởng đến ngành trong dài hạn”, SSI đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh đầu tư mở rộng đội tàu, VOS lỗ quý thứ 3 liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO