Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT thực hiện mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho 100% các doanh nghiệp.
>>Chuyển đổi số tạo đột phá rút ngắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Năm 2023, tình hình chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lên nguồn tài chính của doanh nghiệp; chi phí sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu thị trường giảm do sức mua giảm;…
Đứng trước những khó khăn trên, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số.
Ngay từ tháng 01/2021, Bộ KH&ĐT đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung vào xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo CĐS cho doanh nghiệp. Nhiều công cụ, nội dung đào tạo cũng được Chương trình số hóa, xây dựng thành các video để phổ biến cho toàn người dân, doanh nghiệp truy cập một cách dễ dàng, thuận lợi.
Sau thời gian triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực: Hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số của Chương trình; hơn 1.600 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS để có phương hướng triển khai; hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về CĐS.
Bên cạnh đó, các hoạt động của Chương trình đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt trong nhận thức và đầu tư cho CĐS tại các doanh nghiệp. Theo Báo cáo thường niên CĐS doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, kết quả khảo sát 1000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành CĐS có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai CĐS). Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới CĐS của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Tăng cường nhận thức CĐS cho doanh nghiệp địa phương
Một trong số các mục tiêu quan trọng của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT là nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho 100% các doanh nghiệp trên toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu này, trong các năm 2021 và 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), các địa phương, hiệp hội tổ chức chuỗi buổi đào tạo trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp tại 40 tỉnh thành trên khắp cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long,…
Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về CĐS, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng CĐS trong mô hình kinh doanh và sản xuất. Ngoài ra, các khóa đào tạo đã hỗ trợ kết nối các tổ chức, hiệp hội, cơ quan nhà nước với đội ngũ chuyên gia và các doanh nghiệp tại địa phương, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng, triển khai CĐS và nắm bắt những thông tin, xu thế mới.
Đặc biệt chuỗi đào tạo còn góp phần định hướng ứng cộng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng mới, tiếp cận thêm khách hàng mới. Đây là hoạt động rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu hụt các đơn hàng.
Bà Bùi Lan, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai cho biết: “Nghĩ lớn, làm thật và hành động nhanh là câu nói mà tôi rất tâm đắc qua khóa đào tạo 02 ngày vừa qua. Xuyên suốt khóa học, tôi đã học được rất nhiều kiến thức như xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, hoặc ứng dụng một số phần mềm để quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng, đại diện doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại tỉnh Quảng Ngãi cũng chia sẻ: Đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc CĐS vẫn còn rất mơ hồ, chưa có lộ trình rõ ràng. Bản thân doanh nghiệp cũng đã sử dụng 2 phần mềm về ERP nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý công việc. Sau khóa học của Chương trình, Công ty đã có hình dung sơ bộ những gì cần và phải chuẩn bị cho những bước tiếp theo.
“Các doanh nghiệp Quảng Ngãi nói riêng và doanh nghiệp ở các địa phương khác nói chung rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình trong quá trình thực hiện CĐS cho doanh nghiệp mình”, ông Nguyễn Hoàng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm