Tâm điểm

Đẩy mạnh xã hội hóa y tế

GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ (*) 04/10/2024 10:15

Hiện tại quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai.

Trong hơn 20 năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng ngành y tế tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.

Từ quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa lĩnh vực y tế, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế.

ong de
GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi gặp mặt của “Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Tuy nhiên, hiện tại quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai.

Ví dụ, cùng chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định pháp luật theo cách khác nhau.

Cụ thể, có nơi áp dụng các quy định pháp luật về chủ trương xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP; có địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hoặc Luật PPP.

Về chính sách đất đai y tế, trước đây, phần lớn các địa phương đều thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng bệnh viện tư nhân thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, không phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu hay đấu giá đất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất công bằng như bệnh viện công lập.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP khiến cho chính sách xã hội hóa khó đi vào cuộc sống.

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng đặt ra là: đến năm 2025: Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; đến năm 2030: Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tuy nhiên, hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%.

Do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành TƯ và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ.

Trong đó, đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân.

(*) GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh xã hội hóa y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO