Ủy ban châu Âu vừa thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018).
Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay chiều ngày 17/10 (theo giờ địa phương - rạng sáng 18/10), Uỷ ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau khi Uỷ ban châu Âu thông qua EVFTA, đầu giờ chiều 17/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của cá nhân ông Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu nói riêng.
Trong thông báo của EU cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Chủ tịch EC nêu rõ việc Ủy ban Châu Âu thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị Nghị viện châu Âu cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
04:01, 18/10/2018
11:09, 17/10/2018
15:30, 21/07/2018
05:00, 29/05/2018
Cùng ngày 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện châu Âu; khẳng định Việt Nam luôn coi hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Trên cơ sở việc Uỷ ban châu Âu đã thông qua EVFTA, Thủ tướng đề nghị EP sớm xem xét tiến trình phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) từ đầu năm 2019.
Chủ tịch EP đặc biệt vui mừng trước việc Ủy ban châu Âu đã thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu và nhấn mạnh EP sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019, khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.
Chủ tịch Antonio Tajani cũng khẳng định EP ủng hộ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam đồng thời hoan nghênh hợp tác đa phương và phối hợp giữa EU và Việt Nam trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh, tránh leo thang căng thẳng, tôn trọng lợi ích của các bên ở Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Việc Ủy ban châu Âu thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.
Liệu doanh nghiệp Việt có đón đầu được cơ hội lớn khi vào EVFTA? Sau khi hiệp định đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu). Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% các dòng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU. Số thuế nhỏ còn lại sẽ được tự do hóa một phần thông qua các hạn ngạch miễn thuế. Liên minh châu Âu đồng ý xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong vòng 7 năm tới, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam được xem là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sang EU. Do đó, Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích từ EVFTA so với các FTA khác kể từ khi Việt Nam và EU được xem là hai thị trường bổ sung hỗ trợ nhau.Đây là việc xóa bỏ thuế quan nhanh chưa từng có đối với một quốc gia như Việt Nam. Điều này cũng chứng minh mục tiêu hội nhập và mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và EU. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với quy mô dân số gần 100 triệu người. Việc thực thi EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc biệt là hiện thực hoá các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới. Thông tin tham khảo TẠI ĐÂY |