Đẩy nhanh vốn đầu tư công: Cần tạo cơ chế phòng ngừa “rủi ro ra quyết định”

THY HẰNG 21/07/2020 14:00

Chuyên gia cho rằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là cú hích cho tăng trưởng, muốn vậy phải tạo cơ chế phòng ngừa “rủi ro ra quyết định” cho các vị tư lệnh ngành và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. 

tính từ đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 30% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn ODA chỉ 10%

6 tháng đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 30% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn ODA chỉ 10%.

Cú hích cho tăng trưởng

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Giảng viên Đại học kinh tế TP HCM đồng tình ủng hộ và cho rằng, đầu tư công là một giải pháp mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Vị chuyên gia phân tích, trong ba thành phần của “cỗ xe tam mã” thì xuất khẩu và tiêu dùng khó có thể trở thành động lực cho tăng trưởng, mà phải là đầu tư công.

“Xuất khẩu những tháng tới khó có thể nằm trong nhóm giải pháp đóng góp vào động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Tiêu dùng cũng vậy, tiêu chí “thắt lưng buộc bụng” đang diễn ra khiến những khoản chi có tính dài hạn mới được chi, những khoản chi không cần thiết được cắt giảm, vì vậy, khó có thể nói tiêu dùng sẽ tăng trưởng những tháng cuối năm”, ông Bảo phân tích.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, đầu tư công là động lực cho tăng trưởng. Theo đó, bơm tiền bằng chính sách tài khoá thông qua đầu tư công là đòn bẩy cho nền kinh tế.

Gói kích thích tài khóa thông qua đầu tư công trị giá 700.000 tỉ đồng được xem là một cú hích mạnh đối với tổng cầu, kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và từ đó kích thích hay chí ít cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng cho sáu tháng cuối năm.

Xé rào, tạo cơ chế phòng ngừa "rủi ro ra quyết định"

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chậm giải ngân vốn đầu tư công. Dữ liệu thực tế cho thấy tính từ đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 30% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn ODA chỉ 10%, có địa phương còn không giải ngân được một đồng vốn ODA nào. Nguyên nhân chính cũng đã được chỉ ra, do vướng thủ tục, quy định pháp lý, chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng, và đặc biệt là rủi ro của những người ra quyết định – “rủi ro ra quyết định”.

Do đó, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khẳng định giải ngân vốn đầu tư công cần những giải pháp đột phá. Thậm chí, các địa phương phải dám “xé rào” trong một số tình huống để giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cần đánh đổi trong thực thi chính sách.

Cụ thể, với đầu tư công, khi dồn sức cho mục tiêu tránh suy thoái kinh tế, tăng đầu tư công thông qua kích thích tài khoá bằng cách bơm 700.000 tỷ có thể kéo theo thì trần nợ công tăng lên, nếu đầu tư công đó không hợp lý thì còn nhiều hệ luỵ. Tuy nhiên, đó là cái giá phải đánh đổi vì suy thoái kinh tế hậu quả còn lớn hơn rất nhiều.

“Trong kinh tế vĩ mô có bộ 3 khả thi, chúng ta phải lựa chọn và hi sinh một số chi phí, hệ quả. Ở thời điểm hiện tại, tăng đầu tư công là giải pháp phải được thực hiện, chúng ta phải chấp nhận”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, phải chấp nhận đánh đổi trần nợ công tăng, phải dùng ngân sách để cứu doanh nghiệp, cứu việc làm, cứu nguồn thu lâu dài thông qua giải ngân đầu tư công.

Đặc biệt, nói về giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh phải đưa ra các giải pháp phòng chống “rủi ro ra quyết định”. Điều này đồng nghĩa tạo ra một cơ chế phòng ngừa "rủi ro ra quyết định" cho các vị tư lệnh ngành và địa phương.

Đồng quan điểm về trách nhiệm người ra quyết định cũng như tư duy nhiệm kỳ, nhưng chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng câu chuyện này lúc nào cũng có. “Thực ra chúng ta vẫn có giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đó là đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh vốn đối ứng và phối hợp giữa các địa phương, bên cạnh đó là đề cao trách nhiệm người đứng đầu”, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ sở để TP. HCM hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công

    01:15, 21/07/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo lập nhiều đoàn kiểm tra đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

    15:14, 18/07/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ II): Lo chất lượng tăng trưởng tín dụng và đầu tư công

    06:15, 17/07/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm "3 tồn đọng" trong giải ngân đầu tư công

    13:10, 16/07/2020

  • 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đầu tư công được sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước

    05:30, 16/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy nhanh vốn đầu tư công: Cần tạo cơ chế phòng ngừa “rủi ro ra quyết định”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO