Theo đánh giá của các đại biểu bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đã có nhiều tín hiệu tốt cả về kinh tế và xã hội.
Trước Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, các đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ sự tin tưởng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm bản lề 2018 và thể hiện dấu hiệu khả quan về việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
15:51, 22/10/2018
13:26, 22/10/2018
11:40, 22/10/2018
11:36, 22/10/2018
10:41, 22/10/2018
10:14, 22/10/2018
ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nhận định, đây là tiền đề trong điều hành kinh tế những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Sự phối hợp, đồng hành giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc bổ sung chính sách và triển khai Nghị quyết chưa bao giờ chặt chẽ như hiện nay. Chính vì thế, đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội đạt được của 2018 rất đáng trân trọng.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Đức, năm 2018 là năm bản lề cho giai đoạn 2016 - 2020 và là tiền đề để tạo tiếng chuông cảnh tỉnh trong điều hành nền kinh tế những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Theo ĐB Đức, Việt Nam đang gặt hái những thành quả trên mặt trận đối ngoại khi liên tiếp ký các Hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, những biện pháp để cho ngân sách Nhà nước tích cực, vững chắc hơn vẫn là chống thất thu, chống buôn lậu, đặc biệt ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất quan trọng. Những năm qua, việc cơ cấu lại thị trường nông nghiệp đã đem lại kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn nhất định.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2018 kinh tế vĩ mô ổn định tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát rất thành công.
Từ những thành tích đã đạt được, các đại biểu đã phân tích thực trạng và giải pháp phù hợp của nền kinh tế đất nước, từ đó cho rằng, mức tăng trưởng mà Chính phủ đề ra từ 6,6 - 6,8% cho năm 2019 là phù hợp và có khả năng đạt được.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm, việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới sẽ phải tập trung cao độ hơn. Tăng trưởng GDP trong năm 2018 đã đạt tới mức 6,98%, cao nhích hơn so với các năm, vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao từ đầu năm là 6,7% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4% mấy năm liền. Đây được coi là vấn đề cốt lõi trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
"Kỳ vọng của chúng tôi là việc phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2019 sẽ là bức tranh tốt cho nền kinh tế của quốc gia càng ngày càng tốt hơn.”, ĐB Phạm Văn Hòa bày tỏ mong muốn.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa ra đánh ra tình hình phát triển kinh tế trong vòng 3 năm. Theo đạo biểu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành trong 3 năm 2016-2018 ước khoảng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm 2016-2020 bằng khoảng 32%-34% GDP. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện và đồng bộ, một số lượng lớn các văn bản pháp luật và điều hành đã được ban hành. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ĐB Phương, việc đưa vào sử dụng một số công trình, dự án giao thông quan trọng vào đầu giai đoạn 2016-2020 như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, ngay cả đợt cao điểm. Quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực và cơ cấu nhân lực chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
“Năm 2018 là năm có nhiều điểm chuyển biến tích cực nhất. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như: đối thoại, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ đối tác kinh tế trong quá trình hợp tác đầu tư cũng như tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, năm 2018 đầu tư công được thắt chặt, gắn với hiệu quả và đã tạo đà cho nền kinh tế phát triển mạnh trong thời gian sắp tới”, ĐB Phương nói.
Đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời gian qua, các đại biểu cho rằng kết quả tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay, cùng dự kiến đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là những tín hiệu tươi sáng của kinh tế - xã hội trong nước.