Để doanh nghiệp Việt "vươn ra" biển lớn

BẢO LOAN 14/10/2023 03:00

Duy trì được tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh luôn cháy bỏng sẽ là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp Việt không ngừng lớn mạnh.

>>>> Để dòng vốn đầu tư ra nước ngoài thành trợ lực phát triển

Đó là chia sẻ của TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam. Theo ông, cùng với việc thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian qua Việt Nam cũng đã “mở cửa” cho doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài. Gần một phần tư thế kỷ doanh nghiệp Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế lựa chọn con đường “vươn ra biển lớn” để trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Bối cảnh hiện tại đang cho thấy nhiều khó khăn trong nền kinh tế, bao gồm cả các yếu tố bên trong tới bên ngoài. Nhưng liệu đây chỉ là những khó khăn mang tính chất nhất thời hay sẽ là những rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam

TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định: Hơn ba thập niên vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh không ngừng. Cho tới nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có được một tầm vóc mới với hơn 900 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, khoảng 1.900 doanh nghiệp nhà nước, hơn 19.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Cùng với đó là một lực lượng doanh nhân đông đảo với hàng triệu doanh nhân đang sở hữu hoặc điều hành các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế trên cả nước.

TS Lê Duy Bình cũng khẳng đinh: Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng quan trọng đóng góp cho GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo công ăn việc làm. Những thành tựu về kinh tế, xã hội, môi trường, vị thế của đất nước đạt được trong thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp.

Đến nay, khoảng cách về phát triển doanh nghiệp trong khu vực ASEAN đã được thu hẹp. Các doanh nghiệp đã góp phần đưa hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đến hơn trăm thị trường trên toàn cầu, đầu tư trực tiếp vào nhiều nền kinh tế hay thành công trong việc huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế dưới hình thức phát hành trái phiếu hay niêm yết trên thị trường chứng khoán khó tính như Singapore hay Mỹ.

Doanh nghiệp là chủ thể chính đã hiện thực hoá các cơ hội của những cải cách kinh tế, cải cách thị trường, của  những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết để đưa Việt Nam từ một vị thế của một nền kinh tế kém phát triển lên vị thế của một nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, và hướng tới thu nhập trung bình cao và cao trong tương lai. Cộng đồng doanh nghiệp đã thực sự lớn mạnh cùng đất nước, và cùng đất nước phát triển.

>>> Đầu tư ra nước ngoài không được như kỳ vọng

Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế “vươn ra biển lớn”

Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế “vươn ra biển lớn”

Như vậy, gần 40 năm sau Đổi mới, từ một nước nhận đầu tư, Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế đầu tư ra nước ngoài, phát triển để trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Theo TS Lê Duy Bình, điểm khởi đầu vô cùng thuận lợi cho sự lớn mạnh này của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước tiên phải nói đến là tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Tinh thần này của dân tộc Việt Nam là điều mà ở nhiều quốc gia khác cũng không dễ được cảm nhận.

Tinh thần đó trong thời gian qua đã được cổ suý và ủng hộ mạnh mẽ thông qua các chính sách đổi mới về kinh tế, cải cách thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, cải cách môi trường kinh doanh, môi trường và đầu tư.

“Phải khẳng định rằng các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích người dân kinh doanh, đầu tư, phát triển doanh nghiệp và các biện pháp để người dân yên tâm kinh doanh, đầu tư, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp”, Giám đốc Economica Việt Nam nói.

Và sự lớn mạnh đó, theo TS Bình “lại được nuôi dưỡng, thúc đẩy bởi các cơ hội kinh doanh liên tục được mở rộng nhờ các cải cách về thị trường trong nước, các hiệp định thương mại quốc tế, và việc hội nhập ngày một sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu”.

Sự hỗ trợ bởi hệ thống tài chính, tín dụng, các kênh tài trợ vốn ngày một phát triển cũng là một kênh góp phần sự lớn mạnh đó. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vừa có ý nghĩa mở rộng và đa dạng hoá cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vừa tạo kênh để kích thích đầu tư trong nước qua thúc đẩy cạnh tranh, chuyển giao kỹ năng quản trị, kiến thức, công nghệ, cách thức làm ăn, cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường.

Với lòng tự hào dân tộc, nhiều doanh nghiệp đã lớn mạnh không chỉ với mục tiêu tạo ra giá trị lợi nhuận lớn hơn cho các chủ doanh nghiệp, các cổ đông mà với mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho xã hội, mang lại lợi ích lớn hơn cho người lao động, người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước.

Động lực và ý chí này có thể dễ dàng nhận thấy ở rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, dù đó là doanh nghiệp lớn, nhỏ hay doanh nghiệp siêu nhỏ. Những yếu tố này đã là chất xúc tác mạnh mẽ đối với sự phát triển vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Về sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn vừa qua, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh về sự đảm bảo một môi trường pháp lý bảo vệ chắc chắn quyền tự do kinh doanh của người dân, đồng thời kiến tạo hình thành một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích người dân bỏ vốn vào kinh doanh, đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công tác quản trị công của các cơ quan Nhà nước cũng liên tục được cải thiện theo tinh thần phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Tinh thần hỗ trợ  theo hướng này được thể hiện rõ nét qua các nỗ lực như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hàng loạt quy định pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, kinh doanh và đầu tư khác, hay các Nghị quyết 01, 02, 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị Quyết 68 nhằm cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân và nhiều nghị quyết, chương trình hành động khác.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của Chính phủ còn thể hiện qua các nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế thị trường, đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, xây dựng các thị trường như vốn, lao động, đất đai, khoa học công nghệ… để doanh nghiệp được vận hành theo đúng các nguyên tắc thị trường, các nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.

Với 17 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và nhiều hiệp định thương mại khác đang được đàm phán, cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp Việt được mở rộng. Nỗ lực mở rộng cơ hội thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cũng là một sự hỗ trợ vô cùng lớn, từ đó khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp. Các cải cách về quy định và chính sách về phát triển kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng mở rộng không gian kinh tế, và cơ hội phát triển kinh tế mới cho doanh nghiệp.

Cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện cũng là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp chi phí kinh doanh được giảm bớt, khoảng cách tới các thị trường trong nước và quốc tế được rút ngắn, không gian mới về phát triển kinh tế được hình thành.

Một yếu tố quyết định nữa cần nhắc đến là tinh thần chia sẻ, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ các các cơ quan chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn, như giai đoạn khủng hoáng tài chính Châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần đây nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro được sẻ chia đã được tích cực phát huy và đã hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng trở lại.

>>> Doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư ra nước ngoài

Còn về phía doanh nghiệp, đánh giá về sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, TS Lê Duy Bình nhận định: Bất chấp các khó khăn của một nền kinh tế đang phát triển, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế khác, các điều kiện bất lợi từ kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt vẫn tìm cách để tối ưu hoá các nguồn lực của đất nước để phát triển và lớn mạnh cùng đất nước.

Những con số về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp như đã đề cập ở trên là minh chứng sống động nhất về nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và về tinh thần của doanh nghiệp Việt luôn hướng tới đóng góp cho vị thế một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nhưng đâu đó vẫn còn có ý kiến cho rằng, thể chế cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn những chồng chéo về mặt chính sách, vẫn còn những gói hỗ trợ mà doanh nghiệp khó có thể tiếp cận.

Ở góc độ này, TS Bình cho rằng cần thực sự tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn về quy định pháp luật, tinh thần vì doanh nghiệp vì người dân, vì lợi ích chung của nền kinh tế. Và điều đó cần phải được thể hiện và thấm nhuần trong tư duy, hành động của các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách.

Năng lực xây dựng về quy định pháp luật, và kỹ năng vận dụng các công cụ của thị trường trong xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng cần được nâng cao. Những điều này sẽ giúp hoá giải nhiều khó khăn về quy định pháp luật hay chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải trong thời gian vừa qua.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh.

“Tinh thần kinh doanh có thể được nuôi dưỡng và khuyến khích bởi một khung khổ pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, một môi trường kinh doanh, minh bạch, lành mạnh, an toàn và chi phí thấp. Nó cũng được hỗ trợ bởi sự đồng hành của các cơ quan chính quyền các cấp, bởi các nỗ lực nhằm mở rộng các không gian kinh tế, thị trường. Duy trì được tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh luôn cháy bỏng sẽ là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp Việt không ngừng lớn mạnh”, TS Lê Duy Bình chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Lan toả bản lĩnh và ý chí doanh nhân Việt Nam

    11:18, 13/10/2023

  • Báo chí là "cánh tay phải đắc lực" của doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam

    07:00, 13/10/2023

  • Doanh nghiệp Việt đang không ngừng lớn mạnh

    04:00, 13/10/2023

  • Doanh nghiệp, doanh nhân “vượt bão” suy thoái

    03:20, 13/10/2023

  • Sức mạnh đoàn kết của doanh nghiệp Việt

    03:00, 13/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để doanh nghiệp Việt "vươn ra" biển lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO