Du lịch

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Minh Châu 06/01/2025 01:30

Mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi phải có sự tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc của nhiều ban ngành và huy động nguồn lực xã hội.

Mặc dù chưa bao giờ du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao như trong ba năm 2017 - 2019, đóng góp 9,2% GDP, song Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng "du lịch vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều yếu kém, bất cập vẫn chưa được khắc phục."

Theo các chuyên gia trong ngành, giờ đây thế giới đã “là một thế giới khác”. Năm 2023, trong khi du lịch Thái Lan chiếm tới 23% GDP, Philippines 22,5%, thậm chí như du lịch Campuchia cũng chiếm tới 25,8% tổng GDP, thì với “đỉnh” 9,2% nêu trên, đóng góp của du lịch Việt Nam vào GDP vẫn thấp hơn mức bình quân thế giới - 10,3%.

Mục tiêu của Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực tế nhận thức của các cấp, ngành địa phương về nhiệm vụ này vẫn chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí; sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ…

pho-di-bo-ho-guom-nemtv-1-0349.jpg
Mục tiêu của Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Phạm Văn Thủy thừa nhận, mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi phải có sự tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp, vào cuộc của nhiều ban ngành và huy động nguồn lực xã hội.

"Tuy nhiên, nhận thức của các cấp ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn lại chưa đồng đều", ông Thủy nhận định.

Cần đánh giá lại nguồn lực tài chính

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định sau đại dịch, hiện các quốc gia đang cạnh tranh du lịch thông qua 4 hình thức: chính sách, xúc tiến, quảng bá-truyền thông và thế mạnh quốc gia.

“Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh trong chính sách với các nước trong khu vực, xem lại những bất cập của Luật Du lịch 2017, từ đó tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần đánh giá lại nguồn lực tài chính, chính sách và nhân lực”, lãnh đạo Vietravel nêu ý kiến.

qk_efvk.jpg
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel ông Nguyễn Quốc Kỳ.

Về những bất cập trong Luật mà đại diện Vietravel nói đến, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia thừa nhận một số vướng mắc cần được tháo gỡ, như một số nội dung trong Luật chưa bao quát đầy đủ các loại hình lưu trú mới (bãi cắm trại du lịch, famstay, khách sạn bệnh viện, capsule hotel - buồng kén, mô hình kinh doanh dịch vụ căn hộ du lịch); chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cho một số loại hình du lịch như du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch; thành phần hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành còn khá đơn giản, mức tiền ký quỹ thấp, chưa bảo đảm cho quyền và lợi ích của khách du lịch nếu sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về du lịch với các cơ sở đào tạo trong việc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ… Những điều này gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch.

Các chính sách ưu đãi về phát triển du lịch còn ít, chậm triển khai, thời gian hỗ trợ ngắn, hiệu quả chưa cao. Quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến Airbnb, Agoda, Booking.com… chưa rõ ràng và chưa đồng bộ với các quy định pháp luật…

Tạo sức bật cho du lịch Việt

Trong nỗ lực vươn mình, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ phục hồi hoàn toàn như trước dịch trong năm 2025; duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm, đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu đóng góp GDP khi đó là 10-13% và tạo ra hơn 10 triệu việc làm, trong đó có 3,3 triệu việc làm trực tiếp.

Đối diện với các con số mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng chính những “điểm nghẽn” kể trên đã khiến du lịch Việt chưa thể tạo sức bật trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, để tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại, tạo động lực đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững, các chuyên gia đề xuất cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư du lịch; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty lữ hành Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, cần xác định lại một số mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW. “Trong khi các mục tiêu của lĩnh vực nông nghiệp, tin học đã được cập nhật và ngành du lịch của các nước khác đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao thì các chỉ tiêu của ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp so với mặt bằng chung. Đã đến lúc cần có một Nghị quyết 08 phiên bản mới với những giải pháp, mục tiêu đủ lớn, đủ mạnh, đủ xa để tạo nên sự đột phá, làm kim chỉ nam điều chỉnh lại toàn bộ cho Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm theo kịp với các chỉ tiêu phát triển chung của đất nước.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, trong đó tập trung vào đầu tư công, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam phải trở thành một trung tâm về du lịch của khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO