Để ngành y sớm phục hồi sau "cơn bão" Việt Á

NGUYỄN GIANG 12/06/2022 03:55

Liên tiếp những “cú sốc” xảy ra ở ngành y tế, không biết đã có bao nhiêu lãnh đạo từ cơ sở tới Trung ương vướng vòng lao lý? Tất cả giống như một “cơn bão” đã càn quét ngành y suốt hai năm trời…

>>Đã đến lúc “đại phẫu” ngành Y tế

hihihi

 Chỉ trong khoảng hơn 2 năm, các vụ án y tế liên tục diễn ra, cả trăm lãnh đạo và cán bộ y tế đã bị khởi tố bắt giam, con số các vụ án trong ngành y tế gần như dày đặc. Ảnh: K.N

Theo đó, chỉ trong khoảng hơn 2 năm, các vụ án y tế liên tục diễn ra, cả trăm lãnh đạo và cán bộ y tế đã bị khởi tố bắt giam, con số các vụ án trong ngành y tế gần như dày đặc. Vào thời điểm hiện tại, vụ kit test Việt Á vẫn đang là tâm điểm của dư luận. Trong vụ án này, đã hơn 10 tỉnh thành có quan chức, cán bộ y tế bị khởi tố bắt giam. Tất nhiên, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra mở rộng nên con số có thể còn chưa dừng lại. Số tiền hối lộ, nhận hối lộ liên tục được công bố đã lên đến vài trăm tỉ đồng khiến dư luận cả nước không khỏi bất ngờ.

Mới nhất, người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục bị khởi tố, bắt giam. Ông Long là lãnh đạo cao nhất của ngành y tế bị trừng phạt cho tới nay. Vấn đề đúng hay sai có lẽ các cơ quan chức năng sẽ dần làm sáng tỏ và “tòa án” dư luận cũng có những nhận định riêng của mình. Thế nhưng câu hỏi lớn nhất mà người dân cần khẩn cấp đặt ra đó là: Sau cơn bão xảy ra trong ngành y tế, làm sao để “trời quang mây tạnh”?

Nói như TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) xung quanh những lùm xùm trong ngành y, đó là mất mát rất lớn nhất, cùng với dịch bệnh, thì với hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự, thực sự ngành y tế cần thời gian mới có thể phục hồi.

Không thể phủ nhận rằng, vụ án đã khiến lòng tin của người dân vào ngành y bị suy giảm, kể cả lòng tin giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng hậu quả của “cơn bão Việt Á” thì người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi nhiều cơ sở y tế không dám mượn, hay mua trang thiết bị y tế nữa, vì sợ vi phạm pháp luật. Mà thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám và điều trị cho người dân, khi có thể kéo dài thời gian chữa bệnh và làm tăng chi phí điều trị.

>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

Nhưng theo TS. Nguyễn Huy Quang, vụ Việt Á cũng là “phép thử” để làm “lộ sáng” nhiều vấn đề. Khi nó liên quan tới hàng loạt người, ở hàng loạt tỉnh thành, tức là không còn ở phạm vi nhỏ lẻ, thì rõ ràng, cần phải xem lại cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm trong ngành y. Có phải cơ chế đó đã lấy mất đi những con người được đào tạo bài bản, có hiểu biết và ít nhiều có tài năng trong ngành?

Cần làm gì để vượt qua "cơn ác mộng" đang có ở ngành y? Theo TS. Nguyễn Huy Quang , các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ. Vì hiện nay mọi người đang rất hoang mang, lo lắng, do đó, cũng cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng, để sớm ổn định tâm tư trong toàn hệ thống, cho các thầy thuốc an tâm làm việc

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các sở y tế, CDC các tỉnh cần sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo, vì điều này vô cùng quan trọng khi tạo ra được định hướng phát triển ngành y tế từ trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang thiếu từ lãnh đạo Bộ lẫn các vụ chức năng.

Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định mới về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục khen thưởng các thầy thuốc, nhân viên y tế đã tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cần tiếp tục tôn vinh họ chứ không phủ nhận sạch trơn công lao của họ trong bối cảnh “cơn bão Việt Á” đang làm lu mờ đi những cống hiến vô cùng to lớn của họ. Có thể xây dựng tượng đài để tôn vinh sự đóng góp của các thầy thuốc, nhân viên y tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19; tổ chức các đêm tưởng nhớ về những người thầy thuốc đã hy sinh vì phục vụ bệnh nhân trong đại dịch COVID-19.

Vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy v.v… Vì thế, cần có văn bản hướng dẫn (thấp nhất là Nghị định) nhằm tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu, đồng thời, có cơ chế bảo vệ họ, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang.

Từ đó, Quốc hội, hoặc Chính phủ hay ngành y tế cần đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của ngành y tế thời gian qua, nguyên nhân chủ quan và khách quan, đồng thời, có một đề án bài bản để phục hồi ngành y tế.

>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

hihihi

 Các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ. Ảnh: K.N

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng lưu ý về công tác cán bộ, là đào tạo nhân viên y tế theo chuyên khoa, theo hướng hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp khoa, phòng ở bệnh viện trở lên, nhằm tránh tình trạng "mất đi một bác sĩ giỏi nhưng chỉ được một nhà quản lý tồi."

Vấn đề củng cố hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương rất quan trọng: Cả về công tác khám chữa bệnh ban đầu; khám, chữa bệnh cơ bản và khám, chữa bệnh chuyên sâu; kết hợp giữa y tế dân sự với y tế của lực lượng vũ trang; kết hợp giữa y tế công và tư, v.v.

Cơ chế tài chính thì cần phải đảm bảo minh bạch, tính giá dịch vụ trên cơ sở chất lượng và các mục chi cho y tế dự phòng phải thật rõ ràng. Phải có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương để có được cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên trong và bên ngoài nhà nước, có thế mới hạn chế tiêu cực trong ngành y tế, kể cả tham nhũng, lấy tiền của người bệnh thông qua BHYT hay các hình thức khác. Đặc biệt là phải nâng cao quản trị nhà nước và quản trị bệnh viện theo hướng tiếp cận quốc tế, quản trị bệnh viện phải vận hành như một doanh nghiệp công ích.

Những ngày qua, theo báo chí khảo sát và cả một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu vật tư y tế cho bệnh nhân. Có thể vì “căn bệnh” sợ trách nhiệm của thiểu số cán bộ quản lý nhưng cũng có những đơn vị y tế thừa nhận đã nghiên cứu kỹ các cơ chế, quy định mua sắm, đấu thầu vật tư y tế nhưng vẫn cảm thấy… bất an, lo lắng. Có người tâm sự: Giờ chỉ muốn làm tốt vai trò chuyên môn khám và chữa bệnh chứ ngại làm quản lý, vì phải đương đầu với sự đan xen phức tạp giữa chuyên môn và thực thi chính sách công.

Một nền y tế mà các y bác sĩ “né” làm quản lý thì có nguy cơ xuống cấp, tụt hậu. Vậy nên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế cần tiếp tục khẩn trương và quyết liệt vào cuộc - sau những quyết liệt đáng ghi nhận về việc loại trừ tiêu cực như vụ Việt Á - để vực dậy niềm tin của cán bộ y tế khi hàng loạt lãnh đạo các cấp của ngành y vừa “nhúng chàm”. Việc thanh tra, kiểm toán, điều tra nếu còn cũng cần nhanh chóng và có kết luận sớm để xử lý triệt để, không để “đêm dài lắm mộng”, gây bất an chung.

Có thể bạn quan tâm

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

    03:40, 22/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng

    04:00, 23/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    04:05, 24/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    11:10, 25/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để ngành y sớm phục hồi sau "cơn bão" Việt Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO