Doanh nghiệp

Để tăng trưởng thương mại bán lẻ mức hai con số

Thy Hằng 09/01/2025 01:43

Cần có kế hoạch để thực sự phát triển nền tảng hạ tầng thương mại vật lý và phi vật lý, nền tảng hạ tầng giai đoạn đến năm 2030.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2024, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại và dịch vụ.

nganh-ban-le-1704016183371756065317.jpg
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Những con số "biết nói"

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12/2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng Cục thống kê cũng chỉ ra rằng, đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ đối với các bộ, ngành và địa phương, trong việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất; kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước , theo đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các ngành sản xuất; trong đó, có các ngành: bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch lữ hành; dịch vụ vận tải, kho bãi...

Cùng với đó, chính sách thuế VAT, giảm VAT từ 10% xuống 8%, đối với một số mặt hàng thiết yếu, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng; cùng với thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 , đã góp phần tăng Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi tích cực; trong đó, nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng năm 2024 tăng 20,6% so với năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước hồi phục.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thời điểm này, kinh doanh của các đơn vị bán lẻ rất tốt.

“Năm nay, Tết đến sớm hơn nên tin vui là tháng 12, tăng trưởng của các đơn vị bán lẻ đạt hai con số. Thời gian tới, khi Tết đến gần, kỳ vọng tăng trưởng có thể đạt con số 15%”, ông Nguyễn Anh Đức nhận định.

Đồng thời chia sẻ, tăng trưởng các mặt hàng Tết năm nay tập trung vào hàng hoá thiết yếu trong các gói quà, giỏ quà phục vụ người tiêu dùng thu nhập thấp với mức tăng lên đến 4 lần so với thời gian trước.

Đáng chú ý, trong tháng kinh doanh tết, nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ nên năm nay các nhà cung cấp tiếp cận nhà bán lẻ dễ hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ cũng được nhà nước tạo điều kiện trong việc vận chuyển hàng hoá, đảm bảo hàng hoá kịp thời đến các điểm bán để phục vụ người tiêu dùng.

Song song với đó, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường nên hàng hoá tại các kênh bán lẻ dù tăng số lượng nhưng chất lượng cũng đảm bảo.

Đối với thị phần trên thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức thông tin, xu hướng đáng chú ý trên thị trường là sự chuyển hoá mạnh về cơ cấu giữa các nhà bán lẻ. Năm 2024, cơ cấu của doanh nghiệp có vốn đầu cơ cấu tỷ tư gián tiếp nước ngoài (FPI) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 2/3 so với tổng doanh số bán lẻ. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn, song cũng khơi gợi nhiều suy nghĩ đối với nền tảng chung của các nhà phân phối nội địa.

Bên cạnh đó, năm 2024 chứng kiến sự chuyển hoá giữa tỷ trọng bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống khi lần đầu tiên sau dịch Covid-19, tỷ lệ bán lẻ truyền thống tụt sâu hơn, đây là sự chuyển biến phù hợp với xu thế. Nếu như thời điểm trước dịch Covid-19, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại là 24%, sau dịch giảm xuống 18-19% thì đến năm 2025, bán lẻ hiện đại tăng lên 25%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm 28-30%, tăng cao hơn so với các tỉnh, thành khác.

Với các đơn vị bán lẻ lớn, doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử của các đơn vị này đang không ngừng tăng cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng chung về phát triển kinh tế số. Các đơn vị bán lẻ đã có sự chuyển hoá phù hợp và kỳ vọng sẽ tăng cao doanh thu từ hình thức bán lẻ này trong thời gian tới.

ban-le3.jpg
Năm nay, Tết đến sớm hơn nên tin vui là tháng 12, tăng trưởng của các đơn vị bán lẻ đạt hai con số.

Phát triển nền tảng hạ tầng thương mại

Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, ngành bán lẻ đang đóng góp khoảng 150 tỷ USD và theo định hướng của Đảng, Nhà nước, doanh số ngành bán lẻ sẽ tăng lên 165 tỷ USD trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho GDP.

Đặc biệt, để thương mại phát triển 2 con số, đóng góp chung vào GDP, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị, thứ nhất, liên quan đến kế hoạch định hướng phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng thương mại, cần có kế hoạch để thực sự phát triển nền tảng hạ tầng thương mại vật lý và phi vật lý, nền tảng hạ tầng giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt năm 2025 - năm cuối kế hoạch 5 năm 2021-2025 vì sẽ mở ra định hướng mới cho giai đoạn tới.

Thứ hai, cần phát triển đồng bộ các ngành đóng vai trò hỗ trợ lĩnh vực thương mại như ngành logistics và công nghệ thông tin bởi hai lĩnh vực này góp phần quan trọng để ngành thương mại phát triển, đồng hành với sự phát triển chung.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cả nước để tránh tình trạng các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau cũng như cạnh tranh với các nguồn khác. Cần kế hoạch dài hơi để các vùng nguyên liệu mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau, góp phần phát triển thương mại nói chung.

Thứ tư, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng các FTA để giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu ra thị trường ngoài nước.

Thứ năm, Chính phủ đã bàn nhiều về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để đạt mục tiêu này, cần có kế hoạch liên quan đến ưu đãi vốn để khuyến khích động viên doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Đồng thời, có các định hướng chính sách lớn từ các cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp có hành lang pháp lý tạo động lực phát triển theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để tăng trưởng thương mại bán lẻ mức hai con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO