Khi người dân đang xôn xao vì hoá đơn tiền điện tăng đột biến tính theo mức giá điện mới, thì Bộ Công Thương lại có đề xuất đóng dấu mật vào thông tin giá điện bán ra cho người dân.
Trong dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, có 13 thông tin, tài liệu thuộc diện tối mật và 30 thông tin, tài liệu thuộc danh mục mật. Đặc biệt, trong báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật. Phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố vào thuộc danh mục tài liệu mật.
Đề xuất thiếu tính khả thi
Bình luận về dự thảo này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đặt câu hỏi, điện là vấn đề quốc kế, dân sinh. Bộ Công Thương muốn đóng dấu “mật” vào kế hoạch điều chỉnh giá điện xong sau đó có thông báo cho người dân không? Nếu đã thông báo thì còn gì gọi là “mật”. Điều quan trọng nhất theo ông Nhưỡng là trong thời gian qua, người dân phàn nàn rất nhiều về vấn đề độc quyền của ngành điện lực. Bây giờ Bộ Công Thương đóng dấu “mật” vào lĩnh vực này phải chăng là tự khẳng định sự không minh bạch.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì không hiểu lý do gì lại quy định, đề xuất đóng dấu mật đối với giá điện. Ông Doanh cũng không rõ Bộ Công Thương đưa ra đề xuất này nhằm mục đích gì. Nhưng về mặt quản lý nhà nước, nếu quy định giá điện là mật thì không thích hợp và thiếu tính khả thi. “Tôi đề nghị cần phải hỏi lại cơ quan chức năng, xem lại pháp lệnh về giá có quy định về việc giá điện có phải là mật? Giá điện phải công bố cho người dân để còn trả tiền, chứ áp đặt lên người dân rồi nói là mật như vậy không ổn”, ông Doanh bày tỏ.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm - Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trong việc Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu. Cụ thể, theo quy định tại Điều 1, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định thì bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Trong phạm vi Tuyệt mật và Mật không đề cập đến vấn đề kinh tế.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Thời gian qua, người dân phàn nàn nhiều về vấn đề độc quyền của ngành điện lực. Bây giờ Bộ Công Thương đóng dấu “mật” vào lĩnh vực này phải chăng là tự khẳng định sự không minh bạch.
Tại Điều 6 của Pháp lệnh quy định về phạm vi Tối mật, có nêu về lĩnh vực kinh tế, nhưng đó là các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố hay công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 03/05/2019
01:06, 30/04/2019
11:22, 29/04/2019
“Như vậy, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật Nhà nước. Do đó, không có cơ sở để Bộ Công Thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý. Việc đưa vào danh mục quản lý thông tin mật của Bộ này chỉ khiến cho dư luận bức xúc, người dân thì cảm nhận việc làm đó có điều gì khuất tất”, ông Tú nói.
VCCI phản đối việc đóng dấu mật
Trong một văn bản góp ý, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị không nên đóng dấu mật vào phương án giá điện. VCCI cho rằng, thường việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính. Do đó, VCCI đề nghị các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.
"Việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể", VCCI đề xuất.
Ngoài giá điện, trong văn bản lấy ý kiến, Bộ Công Thương còn đề nghị một số thông tin tài liệu khác thuộc dạng Mật. Chẳng hạn phương án tổ chức bộ máy, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ; hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp Vụ và tương đương trở lên, tài liệu quy hoạch cán bộ, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong ngành Công Thương chưa công bố. Kết luận thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ công chức...