Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều rào cản trong việc huy động và triển khai nguồn lực tài chính xanh, doanh nghiệp mong chờ có Quỹ chuyển đổi xanh để được trợ sức trong hành trình khó khăn này.
Con người ngày càng nhận thức được những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sự phát triển bền vững nên đã và đang xây dựng những mô hình để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Bởi thế, tài chính xanh rất cần thiết và là xu hướng trên toàn thế giới, với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.
Do vậy, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam khi Việt Nam đang trong mối quan hệ hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, tín dụng xanh cho chuyển đổi xanh được bàn thảo nhiều trong thời gian gần đây, song theo phản ánh của nhiều tổ chức tín dụng, vẫn còn nhiều rào cản trong việc huy động và triển khai nguồn lực tài chính xanh. Do đó, cần thiết lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để doanh nghiệp có nguồn lực, bởi chi phí chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 là rất lớn nhưng các doanh nghiệp lại không được tăng giá bán. Điều này trực tiếp khiến các doanh nghiệp rất khó khăn để vừa đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh vừa cân đối được nguồn lực tài chính.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty May 10-CTCP cho hay, ngành dệt may Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp, 80% năng lực sản xuất của ngành dành cho xuất khẩu. Năm 2024 với những tín hiệu phục hồi rõ nét, mục tiêu đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành là khả thi.
Thách thức lớn nhất ngành đang phải đối mặt liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và các quy định liên quan tại những thị trường xuất khẩu lớn.
“Thị trường châu Âu hiện có 11 yêu cầu liên quan đến sản xuất xanh như Chỉ thị về khung chất thải, Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững, Thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp, Thiết kế sinh thái cho sản phẩm, Lệnh cấm hủy hàng tồn kho, Lệnh cấm tẩy xanh…”, ông Việt ví dụ.
Câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là có đáp ứng được không, kể cả doanh nghiệp lớn, nếu không đáp ứng được, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng. Cùng đó, doanh nghiệp còn đối mặt với chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng nguyên liệu sạch, nguyên liệu tái chế. Tất cả những vấn đề vừa nêu liên quan đến nguồn lực thực hiện.
“Chúng tôi nghe rất nhiều đến tài chính xanh nhưng chưa vay được đồng nào từ nguồn này, doanh nghiệp hoặc sử dụng vốn tự có hoặc vay nguồn lực từ bên ngoài, chứ chưa huy động được ở trong nước”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh là vấn đề cấp thiết hiện nay, bởi với ngành dệt may không chuyển đổi đồng nghĩa với không có đơn hàng, do vậy, ông Việt đề nghị, Chính phủ cần thành lập Quỹ chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư chuyển đổi trong sản xuất. Cùng đó, tuyên truyền mạnh mẽ hơn, để doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo về chuyển đổi xanh. Đặc biệt, cần làm rõ tiêu chí xanh để các địa phương thay đổi nhận thức, bỏ cái nhìn không thiện cảm với ngành dệt nhuộm hoàn tất.
Đồng tình với quan điểm cần có Quỹ chuyển đổi xanh, bà Nguyễn Quỳnh Chi, Giám đốc Quốc gia về tài chính bền vững, Ngân hàng MUFG bày tỏ, chuyển đổi xanh là câu chuyện tập thể, không phải là của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Doanh nghiệp mong chờ Chính phủ có những hành động thiết thực hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc này để sản phẩm cuối cùng tới người tiêu dùng không phải chấp nhận một chi phí quá cao.
“Cần xây dựng được Quỹ chuyển đổi xanh để các tổ chức tín dụng chung tay cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh”, bà Chi đề xuất.