Kinh tế

Đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của TPHCM chiếm 25% GRDP

Đình Đại 14/09/2024 11:30

Theo ông Lâm Đình Thắng, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của TPHCM chiếm 25% GRDP của Thành phố và đến năm 2030, chiếm 40% GRDP của Thành phố.

Thông tin trên được ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) TPHCM nêu tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Q. Phú Nhuận, TPHCM.

hoinghi.jpg
Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) cho biết, chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số quốc gia đến năm 2030 đã xác định, năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% tỷ trọng kinh tế số cho nền kinh tế quốc gia và đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% tỷ trọng GDP quốc gia.

Theo số liệu của Bộ TTTT, đến hết năm 2023, kinh tế số đạt khoảng 16,5%, trong đó kinh tế số lĩnh vực công nghệ thông tin đạt khoảng 55%, kinh tế số các ngành, lĩnh vực khác đạt khoảng 50%. Trong cơ cấu kinh tế số, các ngành, lĩnh vực, kinh tế số lĩnh vực chủ đạo đang là dịch vụ chiếm khoảng 70%, đặc biệt là thương mại điện tử, logistics, du lịch, công nghệ số, phát thanh truyền hình là những lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển mạnh.

Hiện nay, tỷ trọng thương mại điện tử, bán lẻ của Việt Nam mới đạt khoảng 8%, trong khi trung bình của thế giới là khoảng 19,4%, đặc biệt một số quốc gia như Trung Quốc, tỷ lệ này là 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%...Như vậy, không gian phát triển thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo ông Trần Minh Tuấn, trên thực tế, Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, lĩnh vực này không chỉ đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của nền kinh tế, mà còn tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Doanh thu thuần từ lĩnh vực bán lẻ chiếm 3,91% GDP, tạo ra việc làm cho 3,19% tổng lao động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, doanh thu thuần hoạt động bán buôn chiếm 27,6% GDP và thu hút 8,76% lao động.

“Toàn bộ hoạt động bán buôn, bán lẻ chiếm gần 10% GDP của quốc gia trong năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo công ăn, việc làm cho người lao động”, ông Trần Minh Tuấn đánh giá.

ongtuan.jpg
Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Cũng theo ông Tuấn, trung bình mỗi người dân Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng. Điều này cho thấy, sự phổ biến và nhu cầu ngày càng cao đối với thương mại điện tử. Ông cũng cho rằng, giá trị thị trường thương mại điện tử liên tục tăng từ năm 2018 – 2023 với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD vào năm 2023, tương đương mức tăng trưởng khoảng 25%. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã vượt Philippines và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Về nguy cơ và thách thức, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, Trung Quốc với văn hóa kinh doanh bán lẻ như Việt Nam, tốc độ tăng quy mô các chợ truyền thống của Trung Quốc đã giảm từ 0,11% vào năm 2017, còn 0,05% vào năm 2023. Từ đó, giúp doanh thu kênh bán lẻ điện tử chiếm 27% doanh số bán lẻ của Trung Quốc và hiện tại 60% dân số Trung Quốc đã sử dụng dịch vụ bán buôn, bán lẻ trực tuyến.

Nguy cơ thứ hai là chúng ta không cạnh tranh được với các địa phương khác cũng như các nước xung quanh về thương mại điện tử.

Thứ ba là thương mại điện tử Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng xâm chiếm và an ninh hàng hóa gặp nhiều rủi ro bởi thương mại điện tử nước ngoài.

“Chúng ta thiếu nhiều nền tảng công nghệ kết nối người bán với người mua, thúc đẩy bán buôn, bán lẻ với các đối tác trên toàn cầu; thiếu các hạ tầng logistics, nền tảng thanh toán đồng bộ, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Trần Minh Tuấn cũng cho biết, ngày 28/8/2024, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 1459 phê duyệt Chương trình hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Chương trình bao gồm 4 mục tiêu chính: Lựa chọn và huy động các nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình với các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận tham gia khảo sát đánh giá mức độ bán buôn, bán lẻ, chuyển đổi số của mình; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tham gia đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc, được trải nghiệm các nền tảng số và chuyển đổi số; Tạo lập và cập nhập cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc.

“Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Các doanh nghiệp, nền tảng số, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường, các nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ”, ông Trần Minh Tuấn cho biết thêm.

ongthang.jpg
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TTTT TPHCM phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TTTT TPHCM cho biết, tại Hội nghị tham vấn phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, các chuyên gia đã khẳng định, trong thời gian sắp tới, nếu TPHCM muốn đi tiên phong, lấy lại vị thế của mình thì phải dựa trên công nghệ để phát triển Thành phố. Và việc ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế của Thành phố có vai trò rất quan trọng và được đặt ở vị trí trọng tâm để giúp cho Thành phố đạt được mục tiêu này.

Theo ông lâm Đình Thắng, TPHCM đã đặt mục tiêu rất lớn về phát triển kinh tế số. Về chỉ tiêu, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của TPHCM chiếm 25% GRDP của Thành phố và đến năm 2030, chiếm 40% GRDP của Thành phố. “Tỷ trọng này cao hơn so với bình quân chung của cả nước từ 5-10%, cho thấy khát vọng cũng như thách thức rất lớn đối với sự phát triển kinh tế số của TPHCM”, Giám đốc Sở TTTT TPHCM Lâm Đình Thắng đánh giá.

Cũng theo ông Thắng, hiện nay, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số của Thành phố phát triển như: Chuyển đổi số trong các ngành quan trọng của thành phố là y tế, giáo dục, du lịch, an sinh xã hội, khai thác thêm các khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung đầu tư trong Công viên phần mềm Quang Trung.

Bên cạnh đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để thúc đẩy việc tăng doanh thu thông qua công nghệ số. Vận động các nguồn lực xã hội để tham gia chuyển đổi số.

Mới đây, UBND Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuyển đổi số. Ông Thắng cho rằng, với kế hoạch này, UBND Thành phố xác định hỗ trợ tư vấn về mặt công nghệ kết nối cho các doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhiều giải pháp khác để giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các hộ kinh doanh, bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố có thể chuyển đổi số nhanh.

“Chỉ tiêu của kế hoạch này trong thời gian sắp tới là 100% các doanh nghiệp vừa và nhỏ các hộ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố sẽ được tiếp cận với các nền tảng số, được tuyên truyền nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số số và tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số sau khi kế hoạch kết thúc là khoảng 60%”, Giám đốc Sở TTTT TPHCM Lâm Đình Thắng chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của TPHCM chiếm 25% GRDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO