Xoay quanh câu chuyện “xe dù, bến cóc”, chuyên gia cho rằng, cần phân loại lại các hình thức vận tải để nhận diện đúng nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc…
>> Dẹp “xe dù, bến cóc” - Cần một “liều thuốc” đủ mạnh
Như đã thông tin, sau chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giao thông vận tải mới đây, câu chuyện dẹp “xe dù, bến cóc” lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm, đặc biệt, khi đây không phải là lần đầu tiên, công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm được đưa ra, nhưng hiệu quả thu về là chưa thật sự tương xứng. Dẹp chỗ này lại “phình” chỗ kia và nhức nhối về vấn nạn “xe dù, bến cóc” cứ tiếp tục tái diễn, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ,…
Trước thực tế đã nêu, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thì nguyên nhân cũng xuất phát từ các quy định của pháp luật khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phân loại hoạt động vận tải hành khách có 5 loại hình xe gồm: khách tuyến cố định, buýt, taxi, hợp đồng và du lịch. Việc phân loại này hiện không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình tương tự nhau.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khác cũng có thể kể đến khiến tình trạng “xe dù, bến cóc” ngày một gia tăng như, số lượng bến xe khách ít và lại thường xa khu vực trung tâm đô thị nên đã tạo điều kiện cho “xe dù, bến cóc” phát triển; cùng với đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen đi lại của người dân cũng có thay đổi, ít sử dụng phương tiện công cộng, thường di chuyển bằng xe cá nhân, hoặc xe nhỏ để tránh lây lan dịch… Từ đó, loại hình xe ghép, rồi xe hợp đồng sức chứa nhỏ (từ 7 đến 16 chỗ) xuất hiện và được hành khách lựa chọn;...
>> Hải Phòng: Xử lý “xe dù bến cóc” như “bắt cóc bỏ đĩa”
Thực tế, theo các chuyên gia, hiện hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm đã có, với những quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương và của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của một số cơ quan, đơn vị, địa phương không duy trì thường xuyên, nên tình trạng xe hợp đồng và du lịch hoạt động đón trả khách không đúng quy định chỉ giảm, hoặc thay đổi địa bàn hoạt động khi có lực lượng kiểm tra, sau đó phát sinh trở lại.
Vì vậy, việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi mà vấn nạn này ngày một gia tăng, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ.
Những biện pháp được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra như: giao sở Giao thông Vận tải chủ trì tham mưu các địa phương giữ nguyên các bến xe hiện hữu trong nội thành, hạn chế việc điều chuyển ra xa trung tâm đô thị đến năm 2030 để tạo sự ổn định trong hoạt động vận tải hành khách, tạo sự thuận lợi cho người dân; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo bộ chuyên ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, rà soát lại công tác tổ chức giao thông, phân luồng vận tải, đảm bảo có điểm dừng, đón trả khách theo quy định; rà soát hệ thống báo hiệu giao thông có biển cấm xe khách (trừ xe tuyến cố định và xe buýt) vào các tuyến phố gần khu vực các bến xe; tổ chức các tuyến xe buýt để kết nối bến xe; tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định được đầu tư xe trung chuyển phục vụ đưa đón khách đến bến xe, đến điểm đón trả, khách đã được công bố theo quy định… đã và đang cho thấy sự quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Được biết, ngoài những chỉ đạo đã nêu, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đưa ra thêm các biện pháp để dẹp loạn “xe dù, bến cóc”.
Thông tin với báo chí, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, để giám sát chặt chẽ, chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Bộ sẽ hướng dẫn, yêu cầu địa phương và bộ, ngành liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý, chấn chỉnh các hoạt động liên quan kinh doanh vận tải, nhất là việc sử dụng các trang mạng, phần mềm để quảng cáo tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật, như xe ghép, xe tiện chuyến... Đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định.
“Về lâu dài, trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo sẽ phân loại lại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm tương đối giống nhau thành một hình thức kinh doanh, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch và công bằng. Các chính sách phát triển bến xe theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp nhằm đẩy mạnh, thu hút đầu tư bến xe cũng sẽ được nghiên cứu trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Vận tải chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Dẹp “xe dù, bến cóc” - Cần một “liều thuốc” đủ mạnh
03:40, 22/11/2022
TP HCM: Xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc để nhà xe quay lại bến xe Miền Đông mới
02:05, 03/11/2022
PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Xử lý “xe dù, bến cóc” – Đừng mãi “đánh trống bỏ dùi”
04:40, 14/03/2021
Bộ GTVT vào cuộc làm rõ tình trạng “xe dù, bến cóc” tuyến Hà Nội - Quảng Ninh
13:30, 05/09/2019
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị về tình trạng "xe dù, bến cóc"
06:30, 03/08/2019