Dẹp “xe dù, bến cóc” - Cần một “liều thuốc” đủ mạnh

Diendandoanhnghiep.vn Bên cạnh giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, theo chuyên gia, để dẹp vấn nạn “xe dù, bến cóc”, cần phải có thêm một “liều thuốc” đủ mạnh, gắn trách nhiệm của các đơn vị liên quan…

>> Hải Phòng: Xử lý “xe dù bến cóc” như “bắt cóc bỏ đĩa”

Theo đó, trước hiện trạng “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 18/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Văn bản số 12089/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn địa phương.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Văn bản số 12089/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”,... - Ảnh: GIA NGUYỄN

Bộ GTVT vừa ban hành Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”,... - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Nội dung văn bản thể hiện, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động; “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; đặc biệt, trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo: Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn. Kiểm tra, xử lý các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát; nếu phát hiện có tổ chức đón, trả khách, cò khách thì kiên quyết xử lý vi phạm.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị, rà soát quy hoạch về hạ tầng giao thông để tham mưu UBND cấp tỉnh, trước mắt cần giữ nguyên, ổn định các bến xe hiện hữu trong nội thành, nội thị đến năm 2030 để tạo sự ổn định kinh doanh cho hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định và đơn vị bến xe...

Rà soát việc tổ chức giao thông, tổ chức phân luồng vận tải hành khách bảo đảm có điểm dừng, đón trả khách. Rà soát hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ có biển cấm xe khách vào các tuyến phố gần khu vực các bến xe; tổ chức các tuyến xe buýt để kết nối bến xe. Tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định được trang bị, đầu tư xe trung chuyển phục vụ đưa đón khách đến bến xe, đến điểm đón trả, khách đã được công bố.

Yêu cầu bến xe tổ chức khu vực dành riêng cho xe taxi, xe hai bánh chở khách (xe ôm) để thuận lợi cho hành khách vào bến và rời bến. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến bãi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và các quy định khác có liên quan.

>> Ai đứng đằng sau “xe dù bến cóc” tại tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh?

Theo các chuyên gia, song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cần gắn trách nhiệm và có hình thức xử lý địa bàn để xảy ra tình trạng

Theo các chuyên gia, song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cần gắn trách nhiệm và có hình thức xử lý địa bàn để xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc" - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT phối hợp với lực lượng công an và ngành Thông tin - Truyền thông để kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác...

Ban An toàn giao thông cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, các quy định của pháp luật có liên quan khác đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Sự quyết liệt trong văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT được cho là cần thiết trước vấn nạn “xe dù, bến cóc” hiện nay, tuy nhiên, xử lý vấn nạn này không phải câu chuyện mới, trước đó, nhiều biện pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra và không ít cuộc ra quân, trấn áp, truy quét đã được cơ quan chức năng thực hiện, thậm chí để tạo hành lang pháp lý giải quyết thực trạng đã nêu, ngày 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP, nhưng đến nay, “xe dù, bến cóc” vẫn là câu chuyện nhức nhối.

Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, muốn giải quyết triệt để vấn nạn “xe dù, bến cóc”, không chỉ riêng Hà Nội, mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước cần một giải pháp tổng thể. Bởi trong những năm gần đây, rất nhiều chiến dịch truy quét “xe dù”, phá bỏ “bến cóc” được thực hiện nhưng hiệu quả mang lại không cao do cứ “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ khác, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Đầu tiên cần có chế tài phạt thật nặng những xe đỗ lấy khách ngoài bến. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng cùng lúc như công an, thanh tra giao thông, Ban quản lý bến xe, thậm chí có thể yêu cầu ký cam kết, hợp đồng trách nhiệm, nhằm giám sát thường xuyên, xử lý mạnh tình trạng “xe dù, bến cóc”. Như vậy, mới phát huy được hiệu quả”, TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất.

Bên cạnh nhận định đã nêu, không ít chuyên gia cho rằng, sự tồn tại của “xe dù, bến cóc” có một phần nguyên nhân quan trọng do sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là bao che cho sai phạm của lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương. Bởi, nếu không được bao che thì “xe dù, bến cóc” không thể nào tồn tại trong một thời gian dài được.

Ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã không ít lần nhấn mạnh, mỗi chiếc xe khách hiện nay đều bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình, vậy tại sao khi xe khách đó “chạy dù”, ghé vào “bến cóc” để bắt khách, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện ra để xử lý? Bên cạnh đó, một “bến cóc” dù là nhỏ cũng có cả chục xe khách ra vào mỗi ngày, tại sao cơ quan chức năng không phát hiện ra?

Từ đó, để có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này, các chuyên gia đề xuất, song song với công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, vẫn cần thêm một “liều thuốc” đủ mạnh, gắn trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động trên địa bàn. Làm được như vậy, nếu có tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, còn vấn nạn “xe dù, bến cóc” sẽ vào quy củ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dẹp “xe dù, bến cóc” - Cần một “liều thuốc” đủ mạnh tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711651479 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711651479 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10