Hiện, Việt Nam đứng trong "top" 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dệt may, nhưng thời gian qua các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa phát triển thị trường trong nước như kỳ vọng.
Dệt may Việt "đuối" trên sân nhà
Ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam vẫn có tăng trưởng bình quân khoảng hơn 15%/năm trong suốt 18 năm qua. Ngành dệt may luôn định hướng lấy xuất khẩu làm mục tiêu nên việc xuất khẩu trong thời gian qua là rất mạnh.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dệt may tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc "leo thang" thời gian qua được nhận định là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dù có thế mạnh làm hàng xuất khẩu và đứng trong "top" 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng Bộ Công Thương đánh giá: Thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa phát triển thị trường trong nước như kỳ vọng. Phần lớn các doanh nghiệp mới tập trung phát triển các cửa hàng, đại lý ở đô thị, thành phố lớn, chưa thật sự chú trọng đầu tư thị trường nông thôn.
Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, lâu nay dệt may Việt Nam vẫn đang tập trung quá nhiều vào sản xuất, gia công xuất khẩu mà quên đi khía cạnh phát triển mạnh mẽ thời trang dệt may.
Thế nhưng dung lượng, quy mô thị trường nội địa thấp, ước chừng 4,5 tỷ USD buộc doanh nghiệp dệt may vẫn phải chọn xuất khẩu là miếng bánh chủ lực để phát triển. Còn với thị trường trong nước lại cần giải pháp mũi nhọn chứ không phải kiểu “nhà nhà làm nội địa”.
"Gỡ khó" cho doanh nghiệp nội
Theo Giám đốc một công ty sản xuất may mặc tại Hải Dương, phục vụ thị trường nội địa buộc doanh nghiệp phải có những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm lý, thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ông ví, làm hàng gia công doanh nghiệp sản xuất kiểu “lập trình sẵn”, hàng sản xuất trong nước cần chuyên sâu, làm bài bản để có chỗ đứng ngay trên chính sân nhà.
Có thể bạn quan tâm
05:37, 27/09/2018
07:50, 22/09/2018
03:45, 14/09/2018
05:10, 05/09/2018
Giám đốc Công ty may Quốc tế kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc Bình Dương Phan Lê Diễm Trang cũng nhìn nhận, muốn phát triển tại "sân nhà", các doanh nghiệp cần đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua việc xác định dòng sản phẩm tham gia thị trường. Mặt khác, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất lượng, thiết kế phù hợp, theo kịp nhu cầu thời trang quốc tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, nhập lậu hàng hóa, nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên thị trường gây bất lợi đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, muốn phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần có tiềm lực đủ mạnh về tài chính, có kế hoạch đầu tư, phát triển bài bản, tăng hiệu quả sản xuất. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, cả về phương thức quản lý lẫn hệ thống máy móc, thiết bị, tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời cần chủ động từ khâu nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi nhằm phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Từ thực trạng trên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần đổi mới cả về phương thức quản lý lẫn máy móc, thiết bị và bảo đảm về chất lượng hàng hóa, giá cả sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động từ nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi; tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu và tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ nhằm chiếm lĩnh thị phần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa...