Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 của Masan Group (HoSE: MSN) lần đầu được tiến hành chung với ĐHCĐ của Masan Consumer Holdings (UpCOM: MCH) và Masan MeatLife (UPCoM: MML).
Đây là lần đầu tiên trên thị trường có sự kiện ĐHCĐ “3 in 1” mà trong đó các doanh nghiệp tiến hành đại hội đều thuộc top vốn hóa lớn, dẫn đầu thị phần ở các lĩnh vực lõi.
Phát biểu khai mạc ĐHCĐ, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group khẳng định: "Ngày hôm nay là ngày đặc biệt khi sau đợt COVID-19, chúng ta chứng kiến công nghệ thay đổi rất nhiều và đang thay đổi cuộc sống, hành vi, thói quen, giá trị của chúng ta. Tuy vậy cũng có nhiều điều không bao giờ thay đổi. Trong kinh doanh có một lý tưởng chiến đấu để không bao giờ thay đổi, là 20 năm qua người Masan cùng nhau hướng đến 1 mục tiêu và gọi nó đơn giản như cách chúng ta thường gọi trong cuộc đời mình: Đó là "Con đường chúng ta đi".
"Mỗi ngày trên con đường ấy, chúng ta nâng cao vật chất tinh thần của người Việt Nam, của Việt Nam. Nếu làm bằng ý chí, lòng chân, thành, tài năng thì chúng ta sẽ được tưởng thưởng bằng doanh thu và lợi nhuận. Và hơn hết chúng ta tìm thấy ý nghĩa trên chặng đường đi của mỗi chúng ta. Chặng đường ấy vẫn đang tiếp tục, và chúng ta cùng nhau làm việc lớn của chúng ta, cho mỗi chúng ta".
Theo phát biểu của Chủ tịch HĐQT Masan, thông điệp mà các công ty thành viên và Masan Group xác định trong ĐHCĐ 2020 tiếp tục là "Con đường chúng ta đi". Masan tiếp tục "keep going" - tiến về phía trước trên hành trình trở thành Tập đoàn tư nhân hàng đầu dẫn dắt để thay đổi các giá trị sống, phục vụ cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam và hơn thế.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đánh giá 2019 là 1 năm đột phá của Masan. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là bước thực hiện của giai đoạn 1 - hiện thực hóa các mục tiêu cuối cùng ngay từ những ngày đầu tiên. Masan tin tưởng việc đổi mới sáng tạo, không chỉ tin sản phẩm mà còn đặt lòng vào xây dựng và khẳng định thương hiệu, thực hiện sức mạnh thị trường củng cố và hợp nhất để từ đó kiện toàn năng lực sức mạnh về kinh tế, đạt doanh thu và lợi nhuận để phát triển ngày càng hiệu quả hơn.
ĐHCĐ Masan đã thông qua kế hoạch 2020 hợp nhất với 3 mảnh ghép:
(1) Masan Consumer (MCH) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
(2) Masan MeatLife (MML) dự kiến doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
(3) Masan Resources (MSR) dự kiến tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó, giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa và hướng đến trở thành công ty lớn nhất toàn cầu ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mảng bán lẻ với hai chuỗi Vinmart và Vinmart+, theo kế hoạch Masan dự kiến, VCM sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng năm nay, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020. Masan cũng sẽ tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả của hệ thống bán lẻ và đặt mục tiêu đưa EBITDA của hệ thống Vinmart và Vinmart+ đến cuối năm 2020 sẽ giảm về -3%, thậm chí chính thức hoà vốn.
Theo đó, kế hoạch doanh thu hợp nhất của Masan từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm về chỉ còn 1.000 - 3.000 tỷ đồng.
ĐHCĐ Masan và các công ty thành viên cũng thông qua các tờ trình của HĐQT, bao gồm thông qua chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 10%. Thời gian chi trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ. Việc chi trả có thể được thực hiện thành một hoặc nhiều đợt.
Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị Đại hội ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm cả tạm ứng cổ tức.
Ngoài ra, Masan Group cũng lên kế hoạch chào bán tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu đang lưu hành (tính theo vốn điều lệ hiện tại là gần 117 triệu cổ phần mới) cho không quá 5 nhà đầu tư là các tổ chức và không phải là công ty con; không phải là công ty mà có chung công ty mẹ với Công ty. Thời điểm thực hiện dự trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Cùng với đó, Masan thông qua phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5 năm 2021. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu). Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp.
Với Masan Consumer, cổ đông sẽ tiếp tục được nhận cổ tức 2019 với tỷ cao tới 45%. Masan Consumer dành tới xấp xỉ 5.000 tỷ cho kế hoạch chia cổ tức này. Masan Consumer cũng được thông qua phương án phát hành cổ phiếu mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số lượng cổ phiếu phát hành tối đa 1% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty. Giá phát hành 50.000 đồng/cổ phần.
Đối tượng phát hành là nhân viên của công ty, các công ty con và các công ty liên kết. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty. Thời điểm phát hành trong năm 2020 hoặc 4 tháng đầu năm 2021.
Masan MeatLife tiếp tục đặt mục tiêu đột phá từ đà tăng trưởng mạnh ở 2019 song không có kế hoạch chia cổ tức ngay của năm 2019. ĐHCĐ thông qua phương án để MML cũng phát hành ESOP với tổng số lượng tối đa 0,8% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, tương ứng gần 2,6 triệu cổ phiếu. Giá phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp); thời gian thực hiện theo kế hoạch trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021.
Trước đó, hôm qua 29/6/2020, MSR của Masan High-Tech Materials cũng đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 với công bố đổi tên, thông qua phương án ông Nguyễn Đăng Quang từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT, không chia cổ tức phát hành cổ phiếu mới, đồng thời khẳng định chiến lược vươn ra toàn cầu và dẫn đầu ngành chế biến cận sâu vonfram - vật liệu công nghệ cao sau thương vụ M&A gần nhất trị giá 41 triệu Euro.
Có thể bạn quan tâm