CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources) đã thông qua đổi tên thành CTCP Masan High-Tech Materials (HNX-UpCOM:MSR) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) 2020.
Đây là kỳ ĐHCĐ chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của Masan High -Tech Materials về mặt chiến lược sau những thương vụ M&A quốc tế trị giá lớn.
Năm 2018, Công ty này mua lại 49% phần vốn góp của H.C.Stack GmbhH tại NHTCM với trị giá 29,1 triệu USD, đổi tên NHTCM thành Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC). Từ đó, Công ty tăng cường việc mua sắm nguyên liệu thô của bên thứ 3 lên trên 300% để tối đa hóa sử dụng tại nhà máy MTC cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các sản phẩm hóa chất vonfram. MSR đã đạt được kết quả kỷ lục trên tất cả các mặt từ doanh thu đến lợi nhuận ròng trong năm.
Năm 2019, MSR, thông qua công ty con MTC, đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh Vonfam của Tập đoàn H.C.Stack, nhà sản xuất bột kim loại vonfram và vonfram các-bua công nghệ cao hàng đầu thế giới. Thương vụ mang lại cho Công ty các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc. Với nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, MSR từ đây vừa có thể mở rộng và vừa nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh. Masan High-Tech Materials có thể tạo vị thế vững vàng do có lợi nhuận kinh doanh từ nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai với các dòng sản phẩm của mình như các vật liệu công nghệ cao dùng để hỗ trợ những tiến bộ công nghệ, đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng công nghiệp về sự đô thị hóa nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển; và phục vụ các chương trình nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Theo công bố của HĐQT tại ĐHCĐ, để hoàn tất giao dịch, Masan High-Tech Materials đã chi tới 41 triệu Euro cho thương vụ.
Ông Danny Le, Chủ tịch MSR cho biết với sứ mệnh công ty là trở thành doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp vật liệu cao toàn cầu cầu. Đối với MSR, 2019 là 1 năm thách thức; Doanh thu và lợi nhuận chưa phải là năm thành công nhất nhưng là một năm thành công về chiến lược phát triển trong đó vụ M&A mua lai Công ty hơn 100 năm lịch sử kinh doanh là một dấu mốc. Giao dịch thành công này cũng mở ra cánh cửa đến với các thị trường toàn cầu và đưa giá trị lên 4,6 tỷ USD, gấp 4 lần trị giá hiện tại.
Thực hiện chiến lược vươn ra toàn cầu, Masan High-Tech Materials cho biết tiếp tục triển khai 3 phương diện chủ chốt:
Thứ nhất, triển khai dự án tối ưu tài sản trên cơ sở kiến thức và hiểu biết về địa phương.
Thứ hai, tận dụng khả năng tiếp cận và tối ưu hóa dòng tiền để mua lại các dự án giá trị.
Thứ ba, phòng ngừa biến động giá cả hàng hóa thông qua việc đa dạng hóa danh mục kim loại và khoáng sản.
Trong trung hạn, Masan High-Tech Materials hướng đến mở rộng thị phần vonfram APT từ 36% lên 50%+ bằng việc tăng công suất mở rộng Nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2021. Cùng với đó, phát triển năng lực tái chế vonfram cùng với nguồn cung ứng bền vững hiện có.
Dài hạn, chiến lược MSR là tiếp tục tiến gần hơn tới khách hàng và nắm giữ vị trí chủ chốt trong các ngành và thị trường mà công ty hoạt động, trở thành nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và gia tăng thị phần sản phẩm vonfram cận sâu.
ĐHCĐ 2020 của MSR đã thông qua các tờ trình của HĐQT. Trong đó đáng chú ý, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN), công ty mẹ của Masan High-Tech Materials, chính thức từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT MSR. Theo đó HĐQT của MSR chỉ còn 4 người cho nhiệm kỳ 2016-2021.
ĐHCĐ của MSR cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức 0 đồng và kế hoạch phát hành cổ phiếu với tổng khối lượng phát hành dự kiến tối đa 9,99% số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020-2021. Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách, cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Năm 2019, MSR đạt doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt đạt 352 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2018, phản ánh môi trường kinh doanh đầy khó khăn thử thách với nhu cầu toàn cầu suy yếu, khối lượng sản xuất sụt giảm cùng với ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung.
Ban Lãnh đạo Masan High-Tech Materials cũng nhận định 2020 có thể là một năm nhiều khó khăn thách thức phía trước. Masan High-Tech Materials đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh để ứng phó và vượt qua cuộc “khủng hoảng toàn cầu” do COVID-19 gây ra. ĐHCĐ MSR thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với 2 kịch bản, bao gồm: Kịch bản 1: Doanh thu 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông 200 tỷ đồng - giảm 43% so với năm 2019; Kịch bản 2: Doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 42% lên 500 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
01:52, 20/06/2020
09:55, 20/02/2020
08:05, 02/01/2020
06:06, 25/12/2019