Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu nỗ lực tìm cách thức thay đổi để đối phó và thích ứng tốt hơn trước những biến cố trong tương lai.
Khi doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, các giải pháp sáng tạo và chuyển đổi là biện pháp cần thiết để có thể vượt qua đại dịch và phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey đã tiến hành khảo sát 300 giám đốc điều hành cấp cao ở Châu Âu để hiểu chiến lược của họ cũng như tìm ra điều gì đang giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trong thời kì COVID-19. Kết quả cho thấy, đổi mới mô hình kinh doanh vẫn là đòn bẩy chiến lược quan trọng nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Theo đó, khả năng thích ứng và xoay chuyển nhanh chóng, cùng với việc tích lũy kiến thức và nguồn lực đã giúp một số doanh nghiệp có thể đổi mới mô hình kinh doanh và sản xuất để thích ứng với những khó khăn do đại dịch gây ra.
Cụ thể, COVID-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi nhanh chóng ở mức độ phi thường. Một ví dụ về điều này là LUG, một công ty có trụ sở chính tại Ba Lan với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị chiếu sáng. Trong bối cảnh nhu cầu thay đổi do dịch bệnh bùng phát, công ty đã ưu tiên phát triển và sản xuất dòng đèn mới sử dụng công nghệ UV-C để chống lại các vi sinh vật và virus gây bệnh.
Việc sử dụng kiến thức và kỹ năng hiện có trong ngành làm yếu tố cốt lõi, LUG nhanh chóng xoay trục để bắt đầu sản xuất một sản phẩm cung cấp giải pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus cho các bệnh viện và phòng khám, cửa hàng và một số địa điểm công cộng khác.
Tương tự, khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu sử dụng nước rửa tay tăng cao, nhờ việc tích trữ cồn trong quá trình sản xuất, một nhà máy chưng cất rượu whisky và nhà máy sản xuất bia kombucha tại Mỹ đã nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất nước rửa tay để cung cấp ra thị trường.
Theo Luis Dau, Phó Giáo sư chuyên ngành kinh doanh quốc tế và chiến lược tại Đại học Northeastern cho biết, “các doanh nghiệp cần phải nhanh nhẹn và phản ứng kịp thời với những thay đổi. Điều này xuất phát từ sự đổi mới và năng động trong suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công một cách bền vững và khả năng mở rộng quy mô hoạt động, cần phải đảm bảo các yếu tố cốt lõi được duy trì một cách ổn định và vững chắc”.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2015, chỉ có 23% giám đốc điều hành được hỏi cho biết, họ đã lên kế hoạch và xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp tiến hành số hóa một cách nhanh chóng và gấp rút. Sự bùng phát đã dẫn đến những thay đổi về mặt cơ cấu, bao gồm việc chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến và chuyển sang mô hình làm việc từ xa cho nhân viên.
Puravankara Limited, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Ấn Độ, hầu hết doanh số thu được đều từ các giao dịch bất động sản trực tiếp. Tuy nhiên, khi COVID-19 ập tới, Purvankara bắt buộc phải tập trung vào hoạt động kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến.
Và thông qua việc phát triển các kênh tương tác online cũng như đầu tư vào các video đồ họa bất động sản, Puravankara vẫn tương đối bình yên, ngay cả trong giai đoạn hỗn loạn nhất của cuộc khủng hoảng.
Các chuyên gia thuộc WEF khuyến cáo, mặc dù rất khó để biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng thế giới có thể rút ra những bài học và coi đại dịch là cơ hội để đổi mới. Các doanh nghiệp cần nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời xây dựng để phát triển trong một thực tế mới, tập trung vào sự linh hoạt, số hóa và hợp tác đa phương
Đồng thời, bên cạnh những nỗ lực của khối doanh nghiệp, các chính phủ có thể xây dựng chính sách để thúc đẩy nội địa hóa sản xuất, đào tạo lại lực lượng lao động cho nền kinh tế số hóa và xem xét sự hợp tác phi truyền thống giữa các quốc gia để đảm bảo tính bền vững để có thể vững vàng vượt qua các cú sốc trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm