Địa phương và doanh nghiệp làm gì để “đón sóng” EVFTA?

Minh Hương 28/08/2019 21:33

Đó là nội dung được quan tâm tại hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý” do Bộ Công thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Tạo đà cho doanh nghiệp “vượt sóng”

EVFTA thực sự là Hiệp quan trọng đối với Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành đối tác của một thực thể gồm 28 nước có trình độ kinh tế, tiềm lực rất cao trên quy mô toàn cầu. Trong quan hệ thương mại, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và hiện nay, EU chiếm hơn 38% các kim ngạch xuất khẩu.

Hội nghị

Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý”

Đánh giá về cơ hội EVFTA đối với một số ngành tiềm năng, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Cơ hội từ EVFTA của mỗi ngành là khác nhau. Giày dép có lợi thế nhất, được giảm thuế nhiều và quy tắc xuất xứ không quá khắt khe. Dệt may được giảm thuế hơn 10% nhưng phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sợi, vải. Đây cũng chính là điểm nghẽn của doanh nghiệp dệt may. Sản phẩm từ gỗ có mức thuế khá thấp, yêu cầu xuất xứ nguồn gốc khắt khe nhưng quy mô thị trường lớn. Hiện nay tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU vẫn còn ít. Ô tô ở hai bên đều bảo hô khá lâu với mức thuế. Cơ hội xuất khẩu chủ yếu đối với phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy và xe máy nguyên chiếc dung tích 50-250cc...

Đối với địa phương, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng: Môi trường đầu tư mở hơn tạo thuận lợi, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ các nước EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu rất lớn thu hút các dòng vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đang được triển khai xây dựng.

Với chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới, gắn với những cơ hội mới mở ra từ EVFTA, Quảng Ninh mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ tỉnh phát triển hiệu quả các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp gắn với mục tiêu phát triển theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Về lĩnh vực thương mại trước những cơ hội, thách thức mở ra, cần có giải pháp để vừa phát triển hiệu quả các thế mạnh của Quảng Ninh, trong đó phát huy vai trò liên kết vùng và thực hiện hiệu quả các mục tiêu quốc gia ở địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

    Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

    15:10, 26/07/2019

  • Cảnh báo nóng về liều thuốc bổ từ Hiệp định EVFTA

    Cảnh báo nóng về liều thuốc bổ từ Hiệp định EVFTA

    06:41, 11/07/2019

  • Việt Nam - EU: Hoàn tất ký kết Hiệp định EVFTA và IPA

    Việt Nam - EU: Hoàn tất ký kết Hiệp định EVFTA và IPA

    18:21, 30/06/2019

Thách thức cần vượt qua

Các chuyên gia nhận định, EU là thị trường lớn đầy tiềm năng nhưng lại rất khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... Các doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, có khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp cũng như kỹ năng tiếp cận và quản lý khách hàng để thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): “Khi EVFTA có hiệu lực, các công cụ thuế quan bị buộc phải giảm sâu để tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên thì các hàng rào phi thuế quan (như hàng rào kĩ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn chất lượng, quy tắc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, các thủ tục kiểm tra…) sẽ được các nước EU áp dụng nghiêm ngặt hơn nữa, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn còn manh mún, tầm nhìn hạn hẹp, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn, chưa có sự đầu tư lâu dài cho hoạt động phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu…nên nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này”.

Bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh để khai thác tốt cơ hội thì các doanh nghiệp cần tập trung chủ động nghiên cứu, nắm bắt nội dung hiệp định

Trao đổi về nội dung hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Để khai thác tốt cơ hội do hiệp định mang lại thì các doanh nghiệp cần tập trung chủ động nghiên cứu, nắm bắt các nội dung. Bộ sẽ ưu tiên tổ chức cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, rút kinh nghiệm công việc tổ chức truyền thông cho các hiệp định trước đây, để đưa những thông tin hội nhập EVFTA đi vào thực chất. Bộ trưởng nhận định, đây là hiệp định thương mại thế hệ mới với những yêu cầu cao hơn, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, bao gồm cả mua sắm chính phủ, đầu tư công... Đặc biệt, đối tác là các quốc gia châu Âu, nơi thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.

Các địa phương cần xúc tiến đầu tư, thương mại dựa trên thực trạng phát triển công nghiệp, xu hướng kết nối, hình thành theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. EU là thị trường cao cấp, nhấp khẩu của EU từ Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn qua trung gian, vì vậy, cần có các chương trình xúc tiến đầu tư xây dựng hình ảnh quốc gia tại EU để nhiều doanh nghiệp biết đến Việt Nam và năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường  và các cam kết liên quan trong EVFTA; tích cực tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành để nắm bắt cơ hội và gặp gỡ giao thương trực tiếp với khách hàng, hạn chế dần giao dịch qua trung gian; điều chỉnh nguồn cung cấp nguyên liệu để có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, nâng cao năng lực cạnh tranh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Địa phương và doanh nghiệp làm gì để “đón sóng” EVFTA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO