Ngành du lịch Việt Nam đang gặp nhiều "điểm khó" khi có sự thiếu và yếu trong các tiêu chí về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
>>Phát triển du lịch bền vững
Theo nhiều ý kiến, nhiều giảng viên hiện nay phần lớn là từ các ngành khác chuyển sang hoặc nghiên cứu và được đào tạo từ các ngành có chuyên môn gần như Việt Nam học, Văn hóa học,… sang. Do đó, để có được nguồn nhân lực chuyên môn cao cho ngành du lịch hiện nay còn rất hạn chế.
Giảng viên chuyên trách cũng từ các ngành có chuyên môn gần, chưa kể tới giảng viên thỉnh giảng. Các chuyên gia là những chủ doanh nghiệp không đảm bảo theo tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất khó có thể hỗ trợ trong công tác thực hành và trải nghiệm thực tế thường xuyên trong nội dung chương trình đào tạo, mà thay vào đó chỉ có thể kết hợp bằng các chương trình ngoại khóa, mời nghiên cứu chuyên đề. Khi tham gia vào các chương trình này các em sinh viên cũng phải đóng thêm phụ phí tham gia khác.
Chính vì vậy, việc liên kết ba nhà cũng đang gặp sự hạn chế rất lớn khi không đảm bảo được các tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 đối với ngành có đào tạo chuyên môn du lịch.
Thực tế đang đặt ra với ngành Du lịch Việt Nam là đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Qua khảo sát mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, tuy nhiên nguồn lực cung cấp chỉ được từ 15.000 đến 20.000 lao động, nhân lực trong ngành du lịch có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao.
Số lượng lao động được tăng lên hàng năm, song chất lượng chuyên môn lại chưa được cải thiện nhiều. Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của từng nghề, trong quá trình phục vụ vẫn hay mắc sai sót, tỷ lệ khách hàng phàn nàn về chất lượng còn khá cao.
Sự ổn định về đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ du lịch chưa cao. Có sự chênh lệch khá lớn về ý thức, thái độ làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ giữa đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ du lịch trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Nhà nước hay các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Chính vì vậy để phát triển ngành du lịch của Việt Nam, chúng ta cần nâng tầm chất lượng hình ảnh cho khách hàng ngành du lịch trong nước và nước ngoài, vấn đề cần cải thiện nhất chính là đào tạo nguồn nhân lực.
>>Nhân lực du lịch chất lượng cao
TS Lê Tân – Trường Đại học Công Đoàn bày tỏ quan điểm về nhân lực chất lượng cao trong phát triển du lịch phải đảm bảo các điều kiện tiên quyết:
Thứ nhất, nhân lực du lịch không chỉ hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực du lịch mà phải có tổng quan về kinh tế vĩ mô, hiểu biết về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế… Do đó, ngành du lịch được xem là ngành có tính chất đa ngành. Buộc người làm du lịch phải tự nâng cao kiến thức ngoài chuyên môn chính.
Thứ hai, có mối quan hệ/xác lập được mối quan hệ của các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, du lịch; và với các doanh nghiệp du lịch cũng như các nhà đầu tư. Đồng thời phải có mạng lưới kết nối với khách hàng tốt.
Thứ ba, kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ là một yêu cầu bắt buộc. nhưng cũng cần có thực tiễn phong phú trong ngành du lịch và các ngành có yếu tố tương đồng. Gắn với trải nghiệm thực tế các tuyến điểm du lịch trong nước và thế giới.
Thứ tư, hiện nay giáo trình đào tạo du lịch trong cả nước hiện nay rất yếu, chủ yếu là sách dịch và một số giáo trình của Khoa Du lịch trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các trung tâm đào tạo khác hoặc là chưa đủ trình độ viết hoặc viết chưa nhiều do không được ưu tiên. Cả nước hầu như chưa có tiến sĩ du lịch nên cũng rất khó chủ trì các giáo trình chuyên ngành.
Có thể bạn quan tâm