Luật PPP có hiệu lực từ đầu năm 2021 và được đánh giá có nhiều điểm mở cho khối tư nhân, song trên thực tế, van chính sách và tài chính chưa khơi thông” khiến nhà đầu tư chưa mấy mặn mà.
>>Giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP
LTS: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) ra đời được kỳ vọng tạo ra lực đẩy huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng PPP đang bị “làm khó” bởi cơ chế quản lý tài chính.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh Luật PPP.
- Thưa ông, Luật về PPP đã có hiệu lực từ đầu năm 2021, và được đánh giá là động lực góp phần phục hồi phát triển kinh tế, giảm áp lực đầu tư công. Tuy nhiên, như ông đã từng chia sẻ, trên thực tế thì vẫn chưa thể đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân?
Nói đến phương thức đối tác công tư (PPP) nhiều người hiểu ngay đây là chính sách thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước thể hiện lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào khi được tham gia xây dựng công trình quan trọng Quốc gia. Tuy nhiên, hai thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trong nước là thể chế về phương thức đối tác công tư chưa thực sự hấp dẫn để kích thích được các nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt, van tài chính và van chính sách vẫn “đóng” khiến nhà đầu tư khó khăn về huy động vốn tín dụng, và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Luật về PPP chưa thể đi vào cuộc sống.
Như chúng ta đã thấy, việc đẩy nhanh đầu tư công được xem là một động lực quan trọng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Song, với các dự án hạ tầng giao thông, nhu cầu vốn rất lớn thì việc phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư công sẽ để lại gánh nặng lớn cho ngân sách, và gia tăng áp lực nợ công.
Thực tế, Luật về PPP có hiệu lực từ đầu năm 2021, và được đánh giá có nhiều điểm mở, song thực tế vẫn chưa đủ sức hút với nhà đầu tư quay lại lĩnh vực hạ tầng. Đơn cử, với 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam (không được áp dụng theo luật mới), thực tế triển khai đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Cụ thể, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tới nay vẫn chưa thu xếp được khoản tín dụng trị giá hơn 4.000 tỉ đồng, dù đã tới thời hạn phải huy động vốn theo hợp đồng (6 tháng tính từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án cuối tháng 5/2021). Cuối cùng Bộ GTVT đã phải thu hồi và báo cáo Chính phủ để chuyển sang đầu tư công.
>>Kênh dẫn vốn mới cho dự án PPP
- Vậy như ông nói nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chưa mặn mà là vốn?
Đúng nhưng chưa đủ! Đa số các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Thực tế, trong quá trình đàm phán, phía ngân hàng thường yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung thêm điều khoản chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, nhằm mục đích nhà nước phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu.
Do đó, việc triển khai dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP hiện không đủ sức hấp dẫn, bởi 2 lý do chính: nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại lại đang siết tín dụng dài hạn cho các dự án hạ tầng (cần ít nhất 15 - 25 năm để hoàn vốn). Thứ hai, các dự án PPP hiện tại đẩy phần trách nhiệm cho nhà đầu tư tư nhân quá nhiều, nhà đầu tư trong tình trạng lời ăn lỗ chịu, tự gánh hết mọi rủi ro, trong khi bị siết tín dụng nên không ai mặn mà.
Tuy nhiên, cũng còn phương thức khác để tránh lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng là nhà đầu tư phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ rất khó khăn nếu nhà đầu tư thực sự không đủ mạnh.
- Để thu hút các nhà đầu tư tham gia và Luật về PPP đi vào cuộc sống, cần có những thay đổi gì, thưa ông?
Có thể nói, Luật về PPP đã đề cập tới cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, song, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhà nước phải có các cam kết rõ ràng, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, đặc thù. Trong đó, cần mở van chính sách và van tài chính để kích thích nhà đầu tư tham gia một cách chủ động và hiệu quả. Tức là, cần đưa vai trò của các tổ chức tín dụng vào Luật về PPP như là một nhà đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp để dự án được đảm bảo một cách thông suốt thay vì chỉ dừng lại ở việc cho vay và tính lãi suất theo một hoạt động kinh doanh thông thường.
Ngoài giải pháp các doanh nghiệp có thương hiệu có thể tự phát hành trái phiếu, một giải pháp khác để đa dạng hóa nguồn tín dụng là giải pháp huy động vốn từ các quỹ đầu tư tài chính tương tự như các nước từng sử dụng đầu tư và để phát triển hạ tầng.
- Xin cảm ơn ông!
LS Nguyễn Tiến Lập:
“Hợp tác công tư là chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, nói cách khác, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì nhà nước cũng bỏ vốn góp theo tỷ lệ tương ứng. Thời hạn, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư được quy định rất rõ, nếu không đủ vốn chủ sở hữu thậm chí còn bị thu hồi dự án, song với phía vốn nhà nước lại chưa rõ ràng. Nếu quy định phần vốn nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình hoàn thành thì rất khó cho việc ký hợp đồng tín dụng, vì phía ngân hàng sẽ lo ngại rủi ro khi phần vốn của nhà nước chậm được giải ngân”.
Có thể bạn quan tâm
Giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP
11:20, 02/12/2021
TP HCM báo cáo Thủ tướng chuyển dự án đường vành đai 3 từ PPP sang đầu tư công
13:46, 26/11/2021
Bước lùi của PPP?
04:00, 21/11/2021
PPP Laser Clinic Việt Nam khai trương chi nhánh tại Q.7
16:07, 29/10/2021
Kênh dẫn vốn mới cho dự án PPP
11:00, 20/09/2021