Bất chấp những cuộc "giải cứu" củ cải, su hào tại thị trường trong nước, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 3 tháng đầu năm ghi nhận những kết quả tích cực, là tiền đề và cũng là động lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm của ngành.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đồng thời, liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng cả về sản lượng và giá trị như gạo, chè, hạt điều, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn…đưa giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 11,5%, các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, trong tháng 3, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 524.000 tấn với giá trị đạt 261 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo trong quý I/2018 ước đạt 1,36 triệu tấn với 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 24,4% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Iraq tăng gấp 5,7 lần, Malaysia gấp 2,7 lần….
Vẫn giữ được đà tăng về giá xuất khẩu tốt, trong 3 tháng, hạt điều xuất khẩu ước đạt 73.000 tấn với 739 triệu USD, tăng gần 31% về khối lượng và tăng 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Các mặt hàng rau quả xuất khẩu ước đạt 934 triệu USD, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không có được tín hiệu xuất khẩu tốt như hạt điều hay rau quả, nhiều loại nông sản xuất khẩu chính như cà phê, cao su, hồ tiêu… giảm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, bởi giá xuất khẩu giảm khá cao.
Điển hình là hồ tiêu có sự giảm khá mạnh về giá xuất khẩu với gần 45% so với cùng kỳ năm 2017. Bởi vậy, dù tăng về sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm vẫn giảm trên 37%, đạt 203 triệu USD.
Tiếp đến là cao su, mặt hàng này ước xuất khẩu được 272.000 tấn với 403 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm gần 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong quý I, xuất khẩu cà phê ước đạt 520.000 tấn với 1 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng lại giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 1.945 USD/tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đạt 6,89 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Với những tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản những tháng đầu năm được nhận định sẽ là tiền đề cho ngành nông nghiệp hiện thực hoá mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD năm 2018. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.