Thời gian qua, nguồn thu ngân sách của Điện Biên chỉ đáp ứng 10% chi ngân sách (trên 1.000 tỷ đồng).
Để góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, Sở Tài Chính tỉnh Điện Biên sẽ có giải pháp gì góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Báo DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Điện Biên.
Theo ông Trung, nguyên nhân khiến nguồn thu hạn hẹp bởi, các doanh nghiệp Điện Biên chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng… Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán tại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, cấp xã còn yếu, cá biệt có nội dung còn chưa đảm bảo về trình tư, thủ tục theo quy định hiện hành. Ngoài ra, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm về thủ tục đầu tư, GPMB nên dẫn tới kết quả thực hiện giải ngân, thanh toán còn hạn chế…
- Vậy để hoá giải những khó khăn đó Sở đã có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ngay từ đầu năm, Sở đã chủ động tham mưu tỉnh, tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp, triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế… Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án để giải ngân, thanh toán vốn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện CCHC, tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Trong đó, tháo gỡ cho doanh nghiệp về TTHC, tiếp cận các thông tin giá cả thị trường, cơ chế, chính sách... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Điện Biên thường xuyên rà roát đánh giá trình độ, năng lực của cán bộ, rà soát quy hoạch, kế hoạch đào tạo, từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của cán bộ phù hợp với tình hình thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn nhận, ngoài việc cắt giảm cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin thì mấu chốt chính vẫn là các cán bộ thực thi. Sở đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là đạo đức, tác phong, thái độ, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tính kỷ cương kỷ luật, chủ động trong công việc, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu gắn với phân cấp, phân quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
- Như ông nói, cán bộ chính là giải pháp cốt lõi?
Đúng vậy, chúng tôi thường xuyên rà roát đánh giá trình độ, năng lực của cán bộ, rà soát quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đảm bảo tính kế thừa, chiến lược lâu dài đối với công tác cán bộ, từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của cán bộ phù hợp với tình hình thực thi nhiệm vụ của cơ quan đơn vị...
Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở đã cử 4 đồng chí học lớp cao cấp lý luận chính trị, 15 đồng chí học Trung cấp lý luận chính trị, 12 đồng chí hoàn thiện quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, 8 đồng chí học cao học, hơn 80 lượt CBCC học bồi dưỡng các lớp về chuyên môn nghiệp vụ…
Cùng với đó Sở điều động, luân chuyển vị trí công tác 11 cán bộ, công chức. Một yếu tố then chốt là chúng tôi, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ. Kịp thời phát hiện và thay thế vị trí cán bộ, công chức còn chậm trễ hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền để tư lợi riêng, trong cải cách TTHC...
Sở cũng quán triệt trong lãnh đạo và các phòng chuyên môn, khi doanh nghiệp và người dân có ý kiến phản ánh về Sở hoặc CBCC của Sở thì trách nhiệm trước tiên là của Sở và cán bộ bị phản ánh. Sau khi kiểm tra xác minh nội dung phản ánh, tùy theo mức độ vi phạm chúng tôi sẽ thực hiện xử lý cán bộ theo quy định.
- Là thành viên xây dựng Đề án PCI, Chỉ số Hiệu quả Quản trị hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI), ông có tham mưu, đề xuất gì nhằm tạo sức "hút" các nhà đầu tư?
Tôi cho rằng, con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đạo đức, tác phong, thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tính kỷ cương kỷ luật, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, các cơ quan xây dựng cơ chế chính sách từ TƯ đến địa phương cần nghiên cứu để xây dựng hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng, đảm bảo tính ổn định của chính sách, hạn chế thấp nhất việc sửa đổi, bổ sung chính sách và một chính sách được quy định ở nhiều văn bản khác nhau gây khó khăn trong công tác tra cứu và thực hiện.
Đối với địa phương cần phải chuẩn hoá và công khai minh bạch tất cả các TTHC trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, công khai tại trụ sở tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để doanh nghiệp và người dân năm được.
Đồng thời, công khai các loại quy hoạch, nguồn lực đầu tư, danh mục các dự án đầu tư kể cả vốn nhà nước và vốn thu hút từ đầu tư từ các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở một số lĩnh vực...
Đặc biệt, duy trì tốt hoạt động của bộ phận một cửa liên thông, thực hiện đúng các TTHC đã được tỉnh ban hành, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường đối thoại và tuyên truyền với người dân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến đất đai GPMB, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ chính sách, công khai quy hoạch; cải cách TTHC trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất.
Năm 2017, Điện Biên xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2016); Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2017 đứng thứ 13/63 tình, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63 tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63). Các chỉ số nêu trên cho thấy sự khao khát, quyết tâm của Điên Biên và nhất quán chủ trương lời nói đi đôi với hành động trong cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin đối với các doanh nghiệp tại Điện Biên. Tuy nhiên tỉnh, các ngành, các cấp cũng nhận thấy sự phối hợp giữa các ngành, giữa ngành với huyện còn hạn chế, còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc triển khai các thủ tục đầu tư còn kéo dài, công tác đền bù, GPMB ở một số dự án còn xẩy ra tình trạng thiếu công bằng trong việc áp dụng đơn giá bồi thường, thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai một số dự án còn gây khó khăn cho doanh nghiệp… |
- Xin cảm ơn ông!