Kiểm tra, rà soát các nguồn thu trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ hoàn thuế... là những giải pháp đồng bộ Cục thuế Điện Biên thực hiện nhằm hiện thực hoá thu NSNN năm 2018.
Theo ông Nguyễn Quang Hiều, Cục trưởng Cục Thuế Điện Biên, năm 2018, Cục Thuế tỉnh Điện Biên được Bộ Tài chính giao thu NSNN trên địa bàn 1.000 tỷ đồng; HĐND - UBND tỉnh giao thu 1.030 tỷ đồng (tăng 3%). Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế giao chỉ tiêu phấn đấu thu nội địa 1.132 tỷ đồng, tăng 13,2% so với dự toán Bộ Tài chính giao năm 2018.
Từ phục vụ đến vận dụng chính sách
Triển khai nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng đầu năm 2018 trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực GDP tăng 7,08%. Tốc độ phát triển kinh tế Điện Biên cao hơn cùng kỳ bởi những yếu tố tác động từ đà tăng trưởng năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn… đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội và nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn.
Năm 2018, Cục Thuế tỉnh Điện Biên được Bộ Tài chính giao thu NSNN trên địa bàn 1.000 tỷ đồng. HĐND - UBND tỉnh giao thu 1.030 tỷ đồng (tăng 3%).
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, tạo động lực cho cả giai đoạn (2016-2020) ông Bùi Mạnh Chuyển, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Điện Biên cho biết, Cục Thuế đã quán triệt và triển khai kịp thời các Nghị quyết số 01/2018, NQ 19/2018 của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2018, Quyết định số 54/2018/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên. Đồng thời bám sát các nội dung chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tổ chức triển khai tích cực các giải pháp công tác thuế. Cục Thuế sẽ phối hợp tích cực với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, thu hồi nợ đọng và chống thất thu thuế... nhằm phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2018 được giao.
”Đặc biệt, để khẳng định việc đồng hành phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Cục đã đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, quán triệt tinh thần, thái độ phục vụ đối với cán bộ thuế, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ có hành vị nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân…” ông Chuyển khẳng định.
Kết quả mong đợi
Cũng theo ông Hiều đánh giá, từ những giải pháp đồng bộ, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng như tỉnh Điện Biên, 7 tháng năm 2018 tổng thu nội địa toàn ngành thu được 578 tỷ 240 triệu đồng, đạt 56,1% dự toán pháp lệnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017 (470,9 tỷ). Trong đó, thu nội địa (trừ SDĐ) đạt 487 tỷ 719 triệu đồng, bằng 52,2% dự toán pháp lệnh, bằng 115,4%, thu tiền SDĐ đạt 89 tỷ 481 triệu đồng, bằng 94,2% dự toán pháp lệnh, bằng 185% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN 5 tháng còn lại năm 2018, ông Hiều cho rằng, Cục cần tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ quyết liệt các nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 như: NQ Số 01//2018 của Chính Phủ và QĐ số 54/QĐ-UBND ngày 19/01/2018, UBND tỉnh Điện Biên cũng như kế hoạch và các giải pháp của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế…
Bên cạnh đó, Cục Thuế tăng cường kiểm tra, rà soát các nguồn thu trên địa bàn; Giám sát chặt chẽ tình hình triển khai thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng và tình hình giải ngân thanh toán vốn cho doanh nghiệp; Phối hợp với Sở TN&MT, các Trung tâm phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, giao đất có thu tiền SDĐ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, thủy điện, tình hình thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn… là hoạt động được Cục Thuế đặc biệt lưu ý” ông Hiều cho biết thêm.
Mặt khác, Cục Thuế đánh giá, phân tích cụ thể từng khu vực thu, từng sắc thuế, tăng cường công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Để tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ hoàn thuế và thực hiện hoàn thuế đảm bảo theo đúng quy trình, quy định… Cục đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có số thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: xăng dầu, dược phẩm, doanh nghiệp có hoàn thuế; doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ... Đồng thời, Cục phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền chế độ, chính sách và TTHC thuế.
Tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả NQ19/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 1400 của UBND tỉnh về thực hiện NQ số 19/2018, Cục Thuế đã đẩy mạnh CCTTHC thuế, công khai các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, TTHC thuế tại trụ sở cơ quan thuế, trang TTĐT ngành thuế để giúp người nộp thuế tiếp cận đầy đủ, thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các hoạt động này cũng nhằm thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh (CPI) của tỉnh, các Chương trình công tác quản lý nội ngành, trong đó tập trung thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch sáp nhập Chi cục Thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Cục thuễ cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ CBCC trong cơ quan đơn vị.
Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty TNHH ĐT, TM và DV Hoàng Anh: Còn lỗ hổng gây Trong những năm qua, ngành thuế Điện Biên đã có nhiều đổi mới trong việc đồng hành phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp. Minh chứng là hàng năm Cục thuế tổ chức các lớp tập huấn hố trợ doanh nghiệp thực hiện nộp thuế, kê khai thuế điện tử, các chính sách thuế mới, tổ chức gặp mặt doanh nghiệp… Ngoài ra, các cán bộ công chức thuế trực tiếp, tiếp xúc với doanh nghiệp luôn có thái độ ứng xử hoà nhã, vui vẻ thấu hiểu doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp những vướng mắc về chính sách thuế… Điều này đã giảm bớt những bức xúc, áp lực về cơ chế, chính sách, TTHC còn rườm rà, khó khăn tạo ra những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập, đặc biệt là chính sách thu thuế còn nhiều bất cập từ những Nghị định, Thông tư của TW, Bộ tài chính, Tổng cục Thuế. Thực tế ở Điện Biên, một tỉnh vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn thì việc thu thuế hiện nay còn lỗ hổng gây thất thu thuế từ việc quản lý sử dụng đất lấn chiếm. Ngành thuế cần phối hợp với Sở TN&MT, Sở KH&ĐT… báo cáo tỉnh Điện Biên có chính sách thu hồi, xử lý nghiêm đất lấn chiếm, sử dụng sai mục đích… tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư đến Điện Biên lập nghiệp phát triển…. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Xi măng Điện Biên: Doanh nghiệp đã khó lại càng khó Thực tế, từ Cục thuế đến các Chi cục thuế tỉnh Điện Biên luôn đồng hành phục vụ doanh nghiệp, điều này được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu thuế có nhiều bất cập từ Nghị định, Thông tư… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, Chính phủ ban hành quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo trữ lượng địa chất còn nằm trong lòng đất. Kể từ đó, hàng năm công ty phải nộp khoảng 4 tỷ đồng, đây là số tiền lớn với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vùng Tây Bắc. Đặc biệt, việc thu thuế cấp quyền khai thác phải nộp ngay trong quý I hàng năm, khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó khăn hơn khi xây dựng kế hoạch sản xuất kịnh doanh. |