Tỉnh Điện Biên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh CCTTHC, đất đai, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng.
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đất đai, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trương đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên.
Ông Sông cho biết, đến nay tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 07 dự án về lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện là 1.408,19 tỷ đồng, tăng 59,72% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế có 219 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 51.315,403 tỷ đồng.
- Xin ông chia sẻ về những nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thu hút các nhà đầu tư đến lập thân, lập nghiệp tại Điện Biên thời gian qua?
Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB); tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiếp tục vận động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như: Sun Group, Vin Group, Tập đoàn TNG, Công ty CP đầu tư Đại An, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Agroup, Công ty CP Tập đoàn Đại Nam Sơn... đến tìm hiểu nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình Bộ TN&MT thẩm định hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn (2021 – 2025), hoàn thiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Ngoài ra, định kỳ hằng quý tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt vướng mắc, khó khăn trong thực hiện TTHC trên các ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư...
- Từ kết quả thu hút đầu tư của Điện Biên, theo ông đâu là những khó khăn thách thức?
Điện Biên có vị trí địa lý nằm ở khá xa các vùng kinh tế trọng tâm của cả nước, xa thị trường tiêu thụ, không có cảng biển, chưa được đầu tư xây dựng Đường cao tốc (Sơn la- Điện Biên), nên khó thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai thay đổi, có nhiều điểm mới, xong vẫn còn nội dung chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư, quản lý, cấp chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, xây dựng, môi trường,...
Công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng và GPMB các cụm công nghiệp (CCN) gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách tỉnh hạn chế, địa hình không bằng phẳng, hạ tầng khung chưa được đầu tư, do vậy khó thu hút các nhà đầu tư vào các Khu Kinh tế Cửa khẩu, các CCN của tỉnh...
- Để hoá giải những khó khăn, thách thức, Sở đã tham mưu cho tỉnh có những giải pháp mang tính đột phá ra sao trong năm 2024, thưa ông?
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ 07 nhiệm vụ trọng tâm và 09 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra, trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân. Thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... Tập trung CCHC; Huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành TƯ tổ chức hội nghị xúc tiến để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: Du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái hết hợp với các khu đô thị cao cấp; Năng lượng tái tạo; Trồng rừng sản xuất, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư vào Nhà máy sản xuất và chế biến Mắc ca; Dự án về nông nghiệp công nghệ cao; các dự án về chế biến thực phẩm... Đặc biệt, tỉnh tiếp tục trình Chính phủ, các bộ, ngành TƯ, sớm đầu tư tuyến Đường Cao tốc Sơn la - Điện Biên nhằm tạo động lực thu hút các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh.
- Để xây dựng phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị, tỉnh Điện Biên đã có những hành động cụ thể như thế nào, thưa ông?
Người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.
Thu hẹp khoảng cách giữa các cấp thực thi, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thông qua việc tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành và cấp huyện để xác định hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.
Cùng với đó, từng sở, ban ngành, địa phương công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết TTHC cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến đơn vị mình bằng nhiều hình thức như, trang thông tin điện tử của đơn vị; rà soát và đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC...
Tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trong thực hiện nhiệm vụ, kỷ cương hành chính, không gây chậm trễ, khó khăn, phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh...