Là đối tác với hàng loạt quốc gia thông qua việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng tinh vi.
Gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp
Một trong những mặt hàng bị phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa rất lớn thời gian qua là gỗ dán. Theo Bộ Công Thương, bước đầu điều tra đã có những kết quả phản ánh vi phạm của các doanh nghiệp về sử dụng giấy tờ không hợp pháp, có dấu hiệu làm giả. Một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Đơn cử, sau khi có tình trạng gỗ dán xuất khẩu đến Mỹ gia tăng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra tình hình gian lận C/O và phát hiện có một số doanh nghiệp không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân địa phương trong nước ghi trong hợp đồng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin C/O tại Việt Nam cho các lô hàng mà các công ty sản xuất để bán cho công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu. Đơn cử, Công ty TNHH Việt IND (Bắc Giang) xuất khẩu gỗ dán nhưng chưa lập sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản, không ghi chép vào sổ xuất, nhập khẩu lâm sản mà ghi theo số liệu kế toán, không lưu giữ hồ sơ lâm sản sản xuất ra...
Về phía doanh nghiệp, nhiều lần, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có kiến nghị gửi các bộ ngành về lo ngại tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2018, lượng gỗ dán xuất khẩu tới Hoa Kỳ đạt 320.000m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Nguyên nhân tăng là do nhiều nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế. Trong khi đó, số liệu của Hoa Kỳ cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này với mặt hàng gỗ dán là 198 triệu USD, tăng 78,2%.
Đến nay, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và đang áp dụng biện pháp sơ bộ. Mức thuế mà Hoa Kỳ áp cho Việt Nam với mặt hàng này hiện nay là 8%.
Ngoài gỗ dán, nhiều mặt hàng khác cũng phải đối diện với các vụ việc gian lận C/O thời gian qua. Theo báo cáo của Tổ công tác Chính phủ gửi Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 11/2019, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các nhóm mặt hàng có nguy cơ cao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ...
Nguyên nhân của tình trạng này là do hành lang pháp lý không theo kịp diễn biến thực tế. Quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận …
Đa dạng giải pháp chặn gian lận xuất xứ
Để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa, mới đây Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, lấy ý kiến các bộ ngành. Dự thảo chỉ rõ, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 29/11/2019
05:02, 15/11/2019
01:04, 08/11/2019
Trước nguy cơ mặt hàng gỗ dán có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
Tổ công tác Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, trình trong tháng 12/2019.