Giải phóng mặt bằng hiện vẫn đang là câu chuyện “đau đầu” với các doanh nghiệp khi triển khai dự án. Thực tế này xuất phát từ những vướng mắc trong Luật đất đai hiện hành.
Từ thực tế một dự án qua đến 5 đời Chủ tịch tỉnh Phú Thọ vẫn chưa triển khai xong do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) cho rằng trong vấn đề này doanh nghiệp đang bị đặt vào thế khó.
Cụ thể, theo ông Hiệp, hiện nay các doanh nghiệp khi triển khai dự án phải tự đi đàm phán với chủ sở hữu từng thửa đất trong phạm vi dự án. Trong thực tế triển khai đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, bên cạnh hầu hết các hộ dân ủng hộ thì cũng có một số chây chì không chịu hợp tác tháng này qua tháng khác, thậm chí nhiều năm để đòi hỏi “yêu sách”. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội kinh doanh mà còn làm cho doanh nghiệp nản chí khi có ý định triển khai dự án mới.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) thì quy định của Luật Đất đai hiện hành, nhà đầu tư có thể sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng đất theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và từng chủ sở hữu đất không phải là việc đơn giản.
Có nhiều trường hợp, chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng được hầu hết diện tích đất để thực hiện dự án nhưng không thể thỏa thuận được đối với một, hai chủ sở hữu còn lại khiến dự án không thể triển khai.
Hiện nay, theo quy định tại Điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2014/NĐ- CP thì “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai để bảo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đồng thời với việc quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ”. Như vậy, các dự án thuộc trường hợp thu hồi đất chỉ được xem xét một năm một lần tại thời điểm kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Từ thực tế triển khai dự án của các doanh nghiệp trong thực tế VNREA mới đây đã có kiến nghị nên sớm bổ sung vào Điều 62 Luật Đất đai trường hợp nhà nước thu hồi đất khi chủ đầu tư đã thỏa thuận được tỷ lệ phần trăm diện tích đa số để thực hiện dự án nhưng chủ sở hữu sử dụng phần trăm diện tích đất thiểu số còn lại không đồng ý chuyển nhượng mặc dù đã được đề nghị bồi thường cao hơn giá trị bồi thường theo đề nghị của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, VNREA cũng cho rằng nên có quy định mở rộng thẩm quyền quyết định cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các đề xuất dự án nhà nước thu hồi đất trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Ban Pháp chế VNREA cho rằng, hiện nay pháp luật chỉ quy định mức giá đền bù tối thiểu chứ không có mức tối đa. Do đó, nếu doanh nghiệp đã mất công “may cả cái áo thì cũng nên cố gắng để hoàn thiện nốt phần tay áo”.
Bà Nhung cũng cho rằng, cần tiếp cận câu chuyện thu hồi đất ở góc độ làm sao để cho người dân cảm thấy “được” chứ không phải “bị”, tức cần để cho họ cảm thấy hài lòng đối với mức giá nhận lại khi được thu hồi đất.
Ngoài ra, theo bà Nhung, doanh nghiệp cũng có thể tính đến các phương án hỗ trợ bổ sung như cam kết hỗ trợ việc làm, dạy nghề,… khi thu hồi đất để người dân yên tâm và đồng thuận khi chuyển giao mảnh đất của mình cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Có thể bạn quan tâm
15:30, 22/04/2020
16:35, 21/04/2020
14:30, 21/04/2020
13:58, 21/04/2020
09:54, 21/04/2020