Những mong muốn của các em thiếu nhi đặt ra tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo một thành phố lớn khiến ta phải suy nghĩ.
Những câu chuyện về coi thường pháp luật, xả rác bừa bãi, vi phạm trật tự giao thông, ứng xử, hành xử chưa phù hợp - xảy ra rất phổ biến, thường xuất phát từ chính người lớn đã được các em nhỏ cảm nhận sâu sắc.
Đôi khi, việc giáo dục trong nhà trường nhiều khi khác xa so với thực tế đang diễn ra. Như việc dạy trẻ nhặt rác, giữ gìn vệ sinh công cộng trong khi người lớn lại xả rác; dạy trẻ tuân thủ quy định giao thông nhưng người lớn lại vi phạm.
Chưa kể người lớn còn tạo điều kiện dung túng, nuôi dưỡng thói hư tật xấu cho trẻ. Chẳng hạn như ở gia đình, đứa trẻ ra ngoài chơi, chạy xe đạp làm bể chậu cây nhà hàng xóm. Lúc đó không có người chứng kiến, đứa trẻ chối, không thừa nhận lỗi, lúc về nhà mới thú thật với cha mẹ thì được người lớn trong gia đình thích thú và khen là khôn, sau này sẽ lanh lợi với đời. Cứ như vậy, đứa trẻ lớn lên trong vòng tay bao che và nuôi dưỡng thói hư tật xấu từ gia đình.
Có thể bạn quan tâm
11:02, 05/07/2019
06:33, 04/07/2019
05:15, 03/07/2019
05:05, 02/07/2019
05:00, 01/07/2019
05:15, 30/06/2019
05:05, 29/06/2019
11:00, 28/06/2019
Có lần đứa cháu đi học về khoe rằng, lượm được năm chục ngàn đồng, tôi hỏi sao cháu không gởi cho nhà trường để thông báo và trả lại cho người đã mất. Cháu giải bày là đã báo với chú bảo vệ, lúc đó có cô bán nước bên cạnh bảo cháu rằng: “Có đáng là bao nhiêu đâu, làm chi cho mất công, mà có ai biết đâu, cứ giữ lấy mua gì thì mua”.
Nghe vậy tôi giải thích cho cháu hiểu, cái gì không phải của mình thì không nên nhận, dù số tiền năm chục ngàn không đáng là bao, biết đâu đó là tiền bạn học của cháu xin bố mẹ để ăn sáng hay mua dụng cụ học tập.
Hôm sau, cháu gởi tiền lượm được cho cô giáo để trả lại. Đi học về, cháu khoe được nhà trường tuyên dương hành vi đẹp. Lúc nghe cháu kể lượm được tiền cầm về, tôi nghĩ ngay nếu không giải thích mà vẫn để cháu sử dụng số tiền đó dù nhỏ nhưng hành vi ấy sẽ ảnh hưởng đến tính cách của cháu sau này.
Có thể thấy, trong xã hội, có những trường hợp, hành vi không tuân thủ nguyên tắc hay giả dối để đạt được mục đích thì lại được cho là khôn lanh, nhạy bén. Những người tử tế bằng sự trung thực, tuân thủ nguyên tắc thì bị cho là khờ, không biết thời thế. Phải chăng, càng giả dối thì càng thành công?
Tôi nhớ lại câu chuyện ở một khách sạn ở Nhật, nơi đoàn chúng tôi chọn nghỉ ngơi trong chuyến du lịch. Trưa hôm đó, nhân viên chuyển món ăn lên trễ gần 30 phút so với kế hoạch, không ai trong đoàn chúng tôi phàn nàn điều gì hết.
Tuy nhiên, vào buổi chiều, sau khi chúng tôi đi tham quan về, người quản lý khách sạn đợi sẵn và nói xin lỗi vì món ăn trưa hôm đó chuyển lên bị trễ là ngoài ý muốn, lỗi ở nhân viên phục vụ. Người quản lý này mời chúng tôi ăn buffet miễn phí cho buổi sáng hôm sau, xem như “tạ lỗi”. Một chị trong đoàn tò mò hỏi, sao lại biết món ăn đem lên trễ, người quản lý trả lời “Chính anh nhân viên phục vụ buổi trưa đó báo lại, nhận lỗi”.
Tối hôm đó, ngồi dưới sảnh tiếp tân khách sạn, tôi đem chuyện này hỏi anh hướng dẫn viên thì được giải thích: “Ở đây họ lấy nguyên tắc đúng đắn làm trọng tâm, đề cao tính trung thực để khắc phục sai lầm với mục tiêu là phục vụ tốt cho khách hàng”. Lời giải thích ấy chưa làm tôi thỏa mãn, tôi hỏi tiếp: “Nếu người nhân viên phục vụ không báo cáo thì đâu ai biết, khách hàng cũng không phản ảnh cơ mà”. Anh hướng dẫn viên trả lời: “Nhân viên phục vụ ở đây đã được huấn luyện, cam kết giữ đúng nguyên tắc làm việc, ai không trung thực cũng như tự đào thải mình”.
Hôm sau, lúc ở trên xe di chuyển đến tham quan khu du lịch, trong đoàn chúng tôi lại có người băn khoăn không biết anh nhân viên khách sạn đó có bị kỷ luật hay không. Anh hướng dẫn viên trả lời: “Chắc không đâu, người quản lý dù đã xin lỗi nhưng vẫn biết sự trung thực của nhân viên mình hôm đó là hành động đẹp, vì lợi ích chung để khách sạn khắc phục và đem đến sự hài lòng nhất cho khách hàng”.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng. |
Thực tế cho thấy, đâu ai có thể giả dối người khác suốt đời hay gạt được hết mọi người, bởi “giấu đầu cũng sẽ bị lòi đuôi”, trước sau gì cũng bị bại lộ và mất uy tin, trả giá đắt hơn nhiều. Với những người giả dối sẽ không ai dám tin tưởng lời nói và hành vi, bị mọi người xa lánh.
Trong hợp tác làm ăn lâu dài, sự giả dối chỉ dẫn đến thất bại, làm mất khách hàng, tự đào thải bản thân. Lời nói và hành động không đi đôi với nhau thì không còn được kính trọng, tin tưởng cũng dễ hiểu. Trong cơ quan làm việc hiếm ai kính trọng người lãnh đạo quản lý giả dối, thiếu trách nhiệm.
Nhiều người lãnh đạo, doanh nhân, quản lý có tài năng, có tiền bạc, chức vụ từng được cho là thành công có lẽ đều có năng lực nhưng sau này lại “mắc” vào những vụ “rắc rối”. Vì đâu nên nỗi ? Có thể ở tính cách thiếu trung thực, đạo đức nên năng lực nhiều khi hướng sai trái nên tự hại mình.
Nhiều vụ tham nhũng, vi phạm pháp luật xuất phát từ tình trạng suy thoái đạo đức nhân cách. Muốn thành công lâu bền, phải trung thực sẽ được nhiều người tin tưởng và mong muốn hợp tác. Mà xây dựng tính trung thực cần sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội, người lớn nêu gương và định hướng cho trẻ em trung thực, nơi làm việc thì cấp trên cần tuân thủ nguyên tắc. Như giáo dục không xả rác bừa bãi, tuân thủ luật giao thông, trẻ cần sự nêu gương từ người lớn!.