Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" được tổ chức nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường,...
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, sáng ngày 14/12, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam". Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Diễn đàn có sự góp mặt của TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế. Ông cho biết việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Nguyễn Minh Phong chia sẻ thêm những cơ hội cho phát triển điện khí tại Việt Nam. Những thuận lợi cho phát triển điện khí ở Việt Nam. Thứ nhất, điện khí là nguồn điện ổn định duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Thứ hai, điện khí có tính sẵn sàng cao, công suất lớn, với dải điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, đặc biệt giảm thiểu khí gây ô nhiễm SOx, NOx so với các nhà máy điện chạy than và dầu. Thứ ba, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam. Thứ tư, Việt Nam có nguồn khí tự nhiên khá lớn và có đủ năng lực tài chính và làm chủ công nghệ điện khí.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển điện khí còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất của phát triển điện khí là sự thiếu hụt nguồn khí trong nước và tăng phụ thuộc nguồn LNG nhập khẩu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, mà còn là cấp thiết để bù đắp cho nguồn khí nội địa cung cấp cho các nhà máy điện khí hiện hữu sẽ bị thiếu hụt trong tương lai, khi giá LNG nhập khẩu biến động theo giá thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cơ chế nhập khẩu thế nào, sự biến động liên tục của giá khí thế giới và chi phí sản xuất điện, việc bố trí (phân bổ, quy hoạch) các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước làm sao để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của các nhà máy điện, cùng các vấn đề liên quan như công nghệ khí hóa lỏng, hệ thống kho chứa; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn cho doanh nghiệp… vẫn đang là những câu hỏi, bài toán cần lời giải đáp của cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu chính sách, các hiệp hội, chuyên gia và của chính doanh nghiệp.
Phát triển điện khí trong thời gian tới cần bám sát nguyên tắc phát triển điện lực là ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực; Xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng LNG. Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp; Đồng thời, đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Có thể bạn quan tâm
15:11, 12/12/2023
05:53, 09/12/2023
02:58, 09/12/2023
11:56, 08/12/2023