Kế hoạch triển khai đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam phải dựa trên việc điện khí hóa.
>>Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế xây dựng đường sắt tốc độ cao
Chính phủ đang đặt mục tiêu khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2030, tiến tới đưa vào khai thác vào năm 2045.
Theo thông báo được đưa ra vào tháng 4/2024, dự án sẽ ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc, và tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với Lào Cai, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Để triển khai kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển đổi hệ thống đường sắt trong nước, Việt Nam không thể bỏ qua một khía cạnh quan trọng – đó là điện khí hóa mạng lưới đường sắt.
Theo cam kết quốc gia đưa phát thải ròng về 0, Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng đầu máy và toa xe lửa chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2050. Điện khí hóa đường sắt phản ánh tư duy cấp tiến, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và tạo điều kiện phát triển lâu dài trong thế kỷ tới.
Lý do cần điện khí hóa
Điện khí hóa có thể giảm đáng kể lượng khí carbon mà vận tải đường sắt thải ra so với việc sử dụng tàu chạy bằng diesel hiện nay. Khi các quốc gia trên toàn thế giới cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đường sắt điện đang trở thành chuẩn mực về giao thông vận tải bền vững.
Các tuyến đường sắt chạy bằng điện thường có công suất hiệu quả cao hơn, chi phí bảo trì thấp hơn và giảm tiêu thụ năng lượng về lâu dài. Nhờ hiệu quả như vậy mà độ tin cậy của dịch vụ có thể được nâng cao và chi phí vận hành thì giảm xuống, mang lại lợi ích cho cả dịch vụ vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách.
Hơn nữa, tàu điện yên tĩnh hơn và cho cảm giác đi lại êm ái hơn, qua đó nâng cao trải nghiệm tổng thể cho hành khách và có khả năng thúc đẩy số lượng hành khách sử dụng.
Điều quan trọng là điện khí hóa tạo nền tảng để mở rộng và đổi mới trong tương lai. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và khối lượng giao thương tăng lên, mạng lưới đường sắt điện khí hóa sẽ có khả năng đáp ứng tốt quy mô vận tải lớn hơn và tàu tốc độ cao hơn.
Nó cũng mở ra cơ hội tích hợp các công nghệ tiên tiến như hệ thống điều khiển tàu tự động, mang lại sự linh hoạt cần thiết để tiếp tục phát triển hệ thống đường sắt trong thế kỷ tới.
>>Gỡ nút thắt phát triển đường sắt đô thị
Cân nhắc chiến lược cho điện khí hóa
Với quy mô hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay, điện khí hóa cần được thực hiện theo từng giai đoạn, ưu tiên các tuyến đường chính có tác động đáng kể đến vận tải hàng hóa và hành khách. Việc triển khai dần dần này cho phép phân bổ nguồn lực hiệu quả và giảm thiểu gián đoạn đối với các dịch vụ hiện có.
Để nâng cao hơn nữa tính bền vững, chiến lược điện khí hóa đường sắt có thể tích hợp sử dụng điện năng có nguồn gốc tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Điều này phù hợp với mục tiêu lớn hơn của Việt Nam là chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng xanh hơn.
Hợp tác và trao đổi kiến thức cũng rất cần thiết. Các quốc gia đã điện khí hóa đường sắt thành công như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc có thể chia sẻ những hiểu biết giá trị và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, hợp tác với các thị trường mới nổi như Ấn Độ – quốc gia cũng đang theo đuổi chương trình điện khí hóa đường sắt trên diện rộng – có thể tạo điều kiện trao đổi cách làm tốt nhất và giải pháp sáng tạo phù hợp với những thách thức riêng mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, điện khí hóa đòi hỏi hành lang chính sách và quy định hỗ trợ. Điều này gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng về cơ sở hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn và khuyến khích đầu tư vào công nghệ đường sắt điện. Chính phủ cần đóng vai trò chủ động, đưa ra ưu đãi và tạo môi trường thuận lợi cho cả khu vực công và tư nhân tham gia.
Điện khí hóa là nền tảng của hiện đại hóa đường sắt Việt Nam. Quá trình chuyển đổi táo bạo này – nếu được hỗ trợ bởi kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn, tích hợp năng lượng tái tạo và hợp tác chiến lược – có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu về thương mại và sản xuất quốc tế, đồng thời góp phần kiến tạo nên một thế giới bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 18/08/2021
02:06, 15/01/2021